Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyên dân nuôi một loại ruồi làm thức ăn chăm gà, lợn, cá lớn nhanh

P.V Thứ bảy, ngày 29/10/2022 12:19 PM (GMT+7)
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế sẽ tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, tạo ra phân bón hữu cơ, tiếp nữa là tạo ra nguồn protein từ các loại côn trùng này quay lại phối trộn thức ăn cho gà, lợn, thậm chí cả trong nuôi trồng thủy sản.
Bình luận 0
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyên dân nuôi loại ruồi này làm thức ăn chăm gà, lợn, cá lớn nhanh - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chúng ta vẫn phải chạy bằng 2 chân. Ảnh: Nguyễn Chương

Khuyến khích bà con tăng cường nuôi các con bản địa, con đặc sản 

Tại tọa đàm trực tuyến "Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 17 lần, điều đáng chú ý là không giảm một lần nào. Điều này đã khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ do chi phí tăng lên. Điều này đã gây những tác động bất ổn lên ngành chăn nuôi.

Trong hệ thống chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm 65 – 70% chi phí sản xuất, chăn nuôi chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ sang chăn nuôi trang trại, đặc biệt là chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, khép kín. Do vậy, trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa hệ thống chăn nuôi không thể không gắn với thức ăn công nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, phần lớn các nhà máy đều có công nghệ sản xuất hiện đại, tuy nhiên nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất mới là quan trọng.

"Do vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, trong đó 65% phụ thuộc nhập khẩu. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động (xung đột Nga – Ukraine, nhiều quốc gia tăng tỷ lệ dự trữ lương thực, thậm chí cấm xuất khẩu); thiên tai, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất ngô, đậu tương; đứt gãy chuỗi cung ứng hậu Covid – 19 đã khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh", ông Chinh nói.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, theo ông Chinh, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin: Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520-QĐ/CP. Đây là quy hoạch tổng thể để phát triển ngành nuôi một cách toàn diện, lâu dài.

Riêng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chúng ta vẫn phải chạy bằng 2 chân, đó là sử dụng thức ăn công nghiệp để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất thực phẩm đáp ứng thức ăn cho gần 100 triệu dân. Thứ 2 là phải làm sao giảm một phần phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

Chúng ta cần xác định khi đã hội nhập sâu thì mặt hàng nào có cơ hội cạnh tranh cao chúng ta sẽ tập trung vào đó. Ví dụ, chúng ta có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất với lúa nước nhưng không thể cạnh tranh với việc sản xuất ngô công nghiệp. 

Tại các quốc gia có lợi thế về trồng ngô như Mỹ hay Argentina họ sản xuất với diện tích rất lớn nên có thể áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ, cho sản phẩm chất lượng cao và rất đồng đều. Nhưng ngô trồng ở Việt Nam diện tích chính thức chỉ có 850.000ha, năng suất chưa bao giờ vượt quá 5 tấn/ha, trong khi của họ là 10-11 tấn/ha thì chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh nổi.

Theo ông Chinh, chính vì vậy, chúng ta cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng phát triển ngô chất lượng cao, ngô biến đổi gen (GMO) cho năng suất vượt trội nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Một vấn đề nữa, chúng ta đang thiếu thịt từ gia súc ăn cỏ như sữa, thịt bò. Chúng ta mới chỉ đáp ứng được 8% nhu cầu tiêu dùng này của người dân trong nước, do vậy cũng cần tính toán việc chuyển từ chăn nuôi gia cầm sang chăn nuôi gia súc để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. 

Ở quy mô hộ gia đình, ông Chinh khuyên bà con cũng có thể tận dụng lại các nguồn phụ phẩm từ trồng trọt để làm thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, có thể tự trồng cỏ hay ngô sinh khối để tự chủ nguồn thức ăn.

Khuyến khích bà con tăng cường nuôi các con bản địa, con đặc sản để giảm thức ăn công nghiệp, tăng cường thức ăn thô xanh; nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, tạo ra phân bón hữu cơ, tiếp nữa là tạo ra nguồn protein từ các loại côn trùng này quay lại phối trộn thức ăn cho gà, cho lợn, thậm chí cả trong nuôi trồng thủy sản.

"Và cuối cùng, một giải pháp quan trọng khác là sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương tự phối trộn để giảm giá thành. Nhưng phải kèm theo 4 điều kiện: sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ; tuân thủ kỹ thuật của cơ quan chức năng để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng; bảo quản thức ăn tốt; và phải áp dụng ép viên để vật nuôi có thể việc hấp thụ thức ăn tốt hơn", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyên dân nuôi loại ruồi này làm thức ăn chăm gà, lợn, cá lớn nhanh - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Điền đổ cám công nghiệp chăm sóc đàn lợn tại gia đình ở Yên Mô, Ninh Bình. Ảnh: TQ

Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất thức ăn

Được biết, hiện nay Bộ NNPTNT đang lấy góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có nội dung: Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh thông tin: Năm 2021, Chính phủ giao Bộ NNPTNT, trực tiếp là Cục Chăn nuôi phối hợp với các cơ quan để xây dựng Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Trong đó, Dự thảo đang xin tổ chức, cá nhân, xin ý kiến hoàn thiện văn bản này, dự kiến trình dự thảo Nghị định này cuối năm nay để Chính phủ xem xét phê duyệt. 

Trong dự thảo Nghị định có điều khoản hỗ trợ cho việc sản xuất, bảo quản, chế biến đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Có 5 điểm rất quan trọng về mặt hỗ trợ, đây chỉ mang tính chất thúc đẩy, nguồn để động viên về mặt chính sách.

Thứ nhất, đối với các Tổ hợp tác, HTX khi tham gia vào sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu là xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm, hệ thống thủy lợi, điện, có khu vực tập kết nguyên liệu.

Thứ hai, nếu các Tổ hợp tác, HTX tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, tối đa 100 triệu đồng. Khi chúng ta đầu tư vào vùng nguyên liệu này thì điều khó khăn nhất, đó là phải làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách cũng sẽ hỗ trợ 50% chi phí này để chúng ta thu gom đất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.

Một chính sách nữa rất quan trọng phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và có dự án để nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án.

Đồng thời để thúc đẩy việc thu gom, chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ cho chăn nuôi chính sách cũng sẽ hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, HTX, bà con nông dân nếu mua trang thiết bị, dụng cụ thì sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 100 triệu đồng.

Có nên dùng gạo thay ngô làm thức ăn chăn nuôi?

Ông Tống Xuân Chinh cho hay: Bà con có thể dùng gạo để thay thế cho ngô nhưng bài toán kinh tế đặt ra mới là vấn đề, không ai dám, doanh nghiệp nào dám cho gạo thay cho ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Còn lại Bộ NNPTNT, các Sở NNPTNT hướng dẫn bà con sử dụng nguyên liệu cám, gạo lật để làm thức ăn chăn nuôi nhưng việc áp dụng chưa phát phổ biến. Trừ trường hợp sau chúng ta nhập loại lúa nào chuyên làm thức ăn chăn nuôi, có thể loại gạo có đủ chất, dinh dưỡng. Như Philipines có loại gạo dùng làm thức ăn chăn nuôi rất tốt. Bài toán kinh tế dùng gạo làm thức ăn chăn nuôi ở nước ta vẫn khó làm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem