Lao động than thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng quá cao do dịch Covid-19

Lan Hương - Thùy Anh Thứ năm, ngày 09/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Không chỉ chịu áp lực vì thu nhập giảm, đa phần người lao động còn phải chịu áp lực lớn vì chi phí sinh hoạt, tiêu dùng, y tế... tăng cao do dịch Covid-19.
Bình luận 0

Đây là thông tin trong khảo sát mới đây về "Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19" do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện.

Chi tiêu tốn kém hơn do tiền thực phẩm tăng phi mã

Cuộc khảo sát được tổ chức trên gần 70.000 người lao động với gần 22.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong thời gian gần 1 tháng (tháng 8/2021) trên phạm vi cả nước. Phần lớn lao động được khảo sát trong độ tuổi 31-45.

Nội dung khảo sát chủ yếu liên quan tới đời sống của người lao động, công việc mà lao động đang làm. Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng có một số câu hỏi riêng biệt cho nhóm lao động có việc và lao động mất việc.

Kết quả khảo sát người lao động cho thấy, lao động phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát kể từ tháng 5/2021.

Nhiều lao động mất việc, không có thu nhập nhưng chi phí cho sinh hoạt lại tăng cao. Ảnh: N.T

Nhiều lao động mất việc, không có thu nhập nhưng chi phí cho sinh hoạt lại tăng cao. Ảnh: N.T

Kết quả tổng hợp cho thấy chỉ có 38% lao động đang có việc làm (tương đương với 26.378 người trả lời). Trong đó, nhóm trong độ tuổi lao động vàng (31-45 tuổi) có tỷ lệ mất việc cao nhất, đạt gần 70%.

Tỷ lệ lao động mất việc làm phân theo ngành lần lượt là ngành xây dựng chiếm 66,8%, tiếp đó là ngành dịch vụ là 63%, ngành Nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp, 48,4%. Trong đó, ngành dịch vụ, đặc biệt nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch có tỷ lệ lao động mất việc làm cao nhất chiếm hơn 86%.

Ngay trong ngành trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội cũng có tới 33,1% lao động mất việc làm (chủ yếu là phòng khám tư nhân). Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục cũng khá cao, chiếm hơn 52%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng.

Bên cạnh đó, nhiều lao động gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, vì thế trẻ em phải ở nhà. Nhiều cấp học chuyển sang học online, các lao động tốn chi phí mua sắm trang thiết bị cho con học trực tuyến, tăng thêm các chi phí tiền điện, tiền internet để cho con tham gia các buổi học trực tuyến... 42% lao động cho biết họ tăng thêm các chi phí này.

Ngoài ra, nhiều lao động tốn thêm các chi phí vì phải cách ly, chi phí cho người thân cách ly, điều trị dịch Covid-19, thậm chí là chi hỗ trợ người thân nghỉ việc cách ly do dịch bệnh.

45% số lao động mất việc được khảo sát phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%.

Trong khi đó con số về lao động mất việc do ảnh hưởng về dịch tiếp cận được "Từ gói hỗ trợ của nhà nước" là nhỏ nhất và rất nhỏ chỉ đạt 2%. Nếu tính cả người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc thì con số này là 3,5%.

Đặc biệt có tới gần 15% số người trả lời cho biết họ phải trả các chi phí phát sinh khác gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng.

Dù rất tiết kiệm nhưng nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải chi khoản lớn cho tiền mua lương thực, thực phẩm vì giá lương thực, thực phẩm “tăng phi mã”, “tăng đột biến”, “tăng gấp hai, gấp ba”... cho dù họ được biết Chính phủ, địa phương có nỗ lực cung ứng lương thực.

Nhiều chi phí khác, lãi ngân hàng, thuê nhà... dù không tăng nhưng cũng là gánh nặng lớn với lao động khi mất việc.

50% lao động mất việc cho biết tiền tích lũy chỉ đủ sống trong 1 tháng

Trong tổng số 42.754 người tham gia khảo sát bị mất việc, 50% người bị mất việc từ 1-3 tháng. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.

Gần 50% số lượng người lao động mất việc cho biết nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng, hơn 37% người lao động mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động  mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ có 4,4% số lượng người lao động mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.

19% lao động có việc làm cho biết họ bị giảm 50% lương. Ảnh:N.T

19% lao động có việc làm cho biết họ bị giảm 50% lương. Ảnh: N.T

Hơn 48% (khoảng 20.000 người) mất việc được khảo sát cho biết không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới. Khoảng 10% số lao động mất việc sẽ thực hiện việc tham gia vào “chạy xe công nghệ” để đảm bảo cuộc sống. Chỉ có 0,6% số lao động mất việc trả lời chờ đợi công ty cũ mở cửa trở lại để quay trở lại làm việc.

Không khá hơn nhóm lao động mất việc, nhóm lao động có việc làm thì bị giảm lương. Chỉ có 45% lao động có việc được giữ nguyên lương. Số lao động được tăng lương chỉ đạt 0,4%. Gần 19% số người trả lời cho biết họ có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%.

Trước thực trạng này, lao động đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan tới việc đề đề xuất cởi bỏ bớt thủ tục hành chính giúp nhiều người lao động tiếp cận được các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, lao động cũng đề nghị doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ để lao động nghỉ việc, tạm dừng việc được nhận hỗ trợ.

Đồng thời phần đông người lao động cũng mong muốn nhà nước sớm có chính sách đẩy nhanh tiêm chủng. Thực hiện kiểm soát giá cả, hỗ trợ tiền điện nước... đảm bảo đời sống cho công nhân, lao động.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem