Lê Diệp Kiều Trang rời đi, Go-Viet liệu có bị đối thủ “bỏ rơi”?
Mới đây, Go-Viet xác nhận bà Lê Diệp Kiều Trang sẽ rời vị trí CEO của công ty sau khoảng thời gian 5 tháng làm việc. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng, ứng dụng gọi xe này chứng kiến sự thay đổi ở vị trí điều hành cao nhất.
Tại thời điểm bà Lê Diệp Kiều Trang gia nhập Go-Viet (kể từ 22/4/2019) trên cương vị là tổng giám đốc Go-Viet, bà được ông Andrew Lee, giám đốc phát triển thị trường quốc tế của Go-Jek đánh giá: "Với kinh nghiệm và những thành công trong lĩnh vực kinh doanh, Christy Lê là lựa chọn lý tưởng để giúp Go-Viet duy trì mức tăng trưởng ấn tượng hiện có".
Việc bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (tháng 4/2019) diễn ra trong bối cảnh Go–Viet rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự khi nhà sáng lập kiêm CEO Go–Viet Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển Go-Viet, đã đồng loạt từ chức và rời khỏi Go–Viet từ ngày 29/3/2019.
Đây là hai nhân sự cấp cao gắn bó với Go-Viet từ thời điểm ứng dụng này bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ông Đức và bà Linh trước đó làm việc tại ngân hàng BIDV.
Cũng tại thời điểm bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào cuối tháng 4/2019, Go-Việt xác định là "công ty liên kết với GoJek Group, tập đoàn công nghệ đa nền tảng lớn nhất Indonesia ". Thông tin cho biết ứng dụng này vẫn đạt tăng trưởng 50% mỗi tháng.
Đến thời điểm hiện tại, sau 5 tháng đảm nhận vị trí CEO tại Go-Viet của bà Lê Diệp Kiều Trang, mặc dù công ty mẹ Go-Jek là doanh nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á theo đuổi khái niệm “siêu ứng dụng” với loạt dịch vụ như Go-Mart (mua sắm hàng thực phẩm), Go-Clean (lau dọn nhà cửa), Go-Glam (làm tóc và trang điểm), Go-Massage (mát-xa), Go-Viet mới chỉ có 3 dịch vụ Go-Bike, Go-Send và Go-Food.
Tháng trước, Go-Viet đánh dấu tròn một năm ra mắt tại thị trường Việt Nam. Hãng cho biết đã cán mốc 100 triệu chuyến xe và có hơn 125.000 đối tác tài xế.
Tại sự kiện tròn một năm ra mắt tại thị trường Việt Nam, Go-Viet đã tuyên bố họ đang dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn. Được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2018 và Hà Nội từ tháng 3/2019, đến nay họ đã tiếp cận 70.000 nhà hàng, hơn 1 triệu món ăn, phụ vụ hàng trăm nghìn đơn hàng và tăng trưởng từ 25 đến 35% mỗi tháng.
Cũng theo công bố của Go-Viet, tốc độ tăng trưởng các dịch vụ của GoViet đang đạt mức 400% số đơn đặt.
Tuy nhiên, đây cũng là dịch vụ duy nhất trên thị trường không phục vụ ô tô. Tất cả đối thủ khác trên thị trường kể cả từ nước ngoài như Grab, hay trong nước như Be, FastGo đều khởi đầu từ dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ô tô với nhiều mức tùy chọn khác nhau từ xe cao cấp đến xe bình dân hay taxi.
Điều này khiến cho Go-Viet bị các đối thủ như Grab và Be bỏ lại phía sau nếu tính theo số lượng chuyến xe trong nửa đầu năm nay (theo một thống kê từ ABI).
Sau thời gian khá lâu gần như 'đứng yên' với 3 dịch vụ cơ bản là gọi xe hai bánh, giao đồ ăn và giao hàng, Go-Viet bắt đầu có chuyển động mới kể từ tháng 7/2019. Theo đó, ứng dụng này đang đăng tuyển hàng chục vị trí giám đốc chuyên trách. Thông tin còn được đích thân bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) chia sẻ trên trang cá nhân.
Như vậy, Go-Viet là thành viên cuối cùng trong "bộ tứ quyền lực" của thị trường gọi xe chưa có ví điện tử. Grab đã có Moca, FastGo có Vimo, với cả hai cùng thuộc tập đoàn mẹ NextTech. Trong khi đó, 'Be' tung loạt giải pháp về thanh toán lẫn cho vay sau khi ký hợp tác chiến lược với VPBank. Hiện tại, Go-Viet chưa ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử Go-Pay.
Được biết, tại Indonesia, Go-Pay của Go-Jek đang thống trị thị trường khi hợp tác với gần 400.000 đối tác kinh doanh, tính đến tháng 12/2018. Năm ngoái, tổng giá trị của các giao dịch qua ví này tại Indonesia đạt 6,3 tỷ USD.