Liên kết trồng lúa sạch, gạo Việt bay Âu - Mỹ, bán 60.000 đồng/kg vẫn đắt như tôm tươi

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 10/11/2021 10:08 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, lúa của người dân được doanh nghiệp bao tiêu, xuất khẩu qua nhiều quốc qua, trong đó có Âu, Mỹ.
Bình luận 0

Liên kết trồng lúa sạch, được doanh nghiệp thu mua với giá cao

Thay vì trồng lúa theo cách truyền thống, sạ dày bằng tay, sử dụng nhiều giống, tốn nhiều phân thuốc, đến khi thu hoạch thương lái mua với giá thấp hơn thị trường thì nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang liên kết theo chuỗi trồng lúa hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Liên kết trồng lúa, gạo Việt bay sang Âu, Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch. Từ đó, lúa của người dân được doanh nghiệp bao tiêu, xuất khẩu qua nhiều quốc qua, trong đó có Âu Mỹ. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Theo đó, người dân sử dụng lúa chất lượng cao để sạ thưa, chỉ sử dụng phân hữu cơ, lúa khi thu hoạch đều được doanh nghiệp mua với giá cao hơn thị trường. Hiện người dân đã thành lập HTX, lấy tên là HTX Tân Long.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX Tân Long cho biết, thời gian qua, HTX luôn áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lúa và mang lại thành công lớn.

"HTX Tân Long gieo sạ một số giống theo nhu cầu thị trường như ST 24, ST 25, OM 18 và OM 5451, đều áp dụng cách sạ thưa bằng dụng cụ hàng, có bờ bao khép kín, được đầu nhà kho, máy sấy lúa, thiết bị đóng bao bì. Cách trồng mới này giúp cây lúa khoẻ, ít tốn phân thuốc. Với 220ha, HTX cung cấp cho thị trường trên 1.490 tấn/năm" - ông Thích cho hay.

Theo ông Thích, do là lúa hữu cơ nên các doanh nghiệp rất thích, từ đó ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn giá thị trường. Sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ trong và ngoài nước. Do vậy, HTX không lo đầu ra.

Theo phóng viên tìm hiểu, hiện HTX Tân Long đã xây dựng và được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh với thương hiệu "Gạo sạch Vị Thủy". Thương hiệu "Gạo sạch Vị Thủy" đạt chuẩn VietGAP được nhiều doanh nghiệp và thị trường biết đến.

Ông Thích nói: "Bây giờ nên trồng lúa mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu của thị trường, như vậy sản phẩm mới có giá trị. Còn nếu cứ làm theo truyền thống thì khó có lời".

Cũng như HTX của ông Thích, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng trồng lúa hữu cơ. Khi thu hoạch, tất cả lúa của HTX đều được doanh nghiệp bao tiêu, đưa đi tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Đoàn Văn Tài - Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cho biết, HTX có 65 thành viên, tham gia sản xuất 60ha lúa hữu cơ, với các giống lúa chủ yếu là lúa thơm ST24, Đài Thơm 8, OM4900 và lúa tím Thảo dược Tấn Đạt. Toàn bộ diện tích lúa của HTX sử dụng 100% phân bón hữu cơ.

"Hiện nay, HTX đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền gạo hữu cơ Tấn Đạt. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX còn chế biến các sản phẩm sau gạo như: trà gạo lức thảo dược, bột dinh dưỡng gạo thảo dược, sữa chua gạo thảo dược" – ông Tài thông tin.

Theo ông Tài, sản phẩm gạo hữu cơ của các loại lúa thơm này được bán với giá khá cao, cụ thể là từ 30.000-34.000 đồng/kg, riêng gạo tím thảo dược Tấn Đạt có mức giá cao nhất là 60.000 đồng/kg. Mỗi tháng, HTX bán ra khoảng 15 tấn gạo thơm hữu cơ các loại. Do nhu cầu cao nên HTX thường xuyên không đủ gạo hữu cơ để đáp ứng các đơn hàng.

Ngoài ra, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cũng bán số lượng ít lúa tươi cho doanh nghiệp. Lúa này được bán với giá gấp đôi thị trường, cụ thể, OM 4900 có giá 8.500 đồng/kg, ST 24 có giá 10.000 đồng/kg, lúa tím 12.000 đồng/kg.

Do nhu cầu lớn trong khi lượng sản phẩm của HTX không đủ cung cấp ra thị trường nên ông Tài đã mời gọi nhiều HTX khác ở huyện Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ, Vũng Liên thành lập liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long để cùng nhau hợp tác trồng lúa thơm hữu cơ.

Ông Tài cho biết: "Hiện tôi đang quản lý 5 HTX, với tổng diện tích khoảng 500ha. Hiện diện tích này đang được tôi hướng dẫn cải tạo để tiến tới đăng ký chứng nhận lúa hữu cơ vào năm 2022".

Gạo Việt bán ở châu Âu hơn 61.000 đồng/kg, cạnh tranh ngang ngửa gạo Thái

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) cho biết, gạo của đơn vị này xuất khẩu và bán ở thị trường Châu Âu với giá 42 euro/bao 18 kg, tương đương trên 61.000 đồng/kg (1 euro là 26.209 đồng). 

"Đây là mức giá cạnh tranh ngang bằng với gạo của Thái Lan được bán ở châu Âu, cũng 42 euro/bao 18 kg" - ông Bình cho biết.

Liên kết trồng lúa, gạo Việt bay sang Âu, Mỹ - Ảnh 2.

Hiện nay thị trường Âu, Mỹ rất cần mua gạo của Việt Nam (Ảnh: Huỳnh Xây)

Theo ông Bình, khách hàng châu Âu đánh giá rất cao về chất lượng gạo của Việt Nam. Hiện mỗi tháng Công ty Trung An xuất khẩu vài chục container đi châu Âu.

Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Công ty Trung An cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với giá hơn 1.000 đô la Mỹ/tấn.

Lúc đó, công ty này đã ký hợp đồng bán gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn. 

Theo đó, hai chủng loại gạo thơm được công ty xuất khẩu là ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 đô la Mỹ/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 đô la Mỹ/tấn.

Giám đốc Công ty Trung An cho rằng, người tiêu dùng ở thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác rất chú trọng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 "Gần đây, gạo Việt Nam đáp ứng được tiêu chí đó nên châu Âu mới mua mạnh" - ông Bình nói.

Muốn vào được thị trường châu Âu, theo ông Bình, sản phẩm gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Chính vì vậy, để khai thác tốt thị trường này, ông Bình nhấn mạnh, ngành hàng lúa gạo phải sản xuất theo tiêu chí an toàn bền vững.

"Muốn vậy, phải thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân theo tiêu chuẩn thị trường đưa ra" - ông Bình cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được hưởng lợi. Trong đó, với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0%. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm; riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau ba đến năm năm.

Việc gạo Việt "chinh phục" được thị trường EU sẽ giúp các thị trường khác phát triển tốt hơn, bởi các nước sẽ đánh giá tốt hơn về chất lượng gạo Việt Nam.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số nước thành viên EU tăng mạnh, cụ thể xuất khẩu gạo sang Pháp đạt 2.033 tấn, sang Đức 8.510 tấn, sang Ý là 4.861 tấn và Hà Lan là 6.374 tấn…

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL cho biết, rất nhiều năm qua, ông đã nói rất nhiều về việc người dân phải bỏ cách sản xuất cũ, chuyển sang sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ mà nhu cầu đang rất cần.

Theo đó, ngành chức năng phải quyết liệt hỗ trợ người dân tham gia vào HTX, sản xuất lúa sạch theo nhu cầu của thị trường. 

Đồng thời, ngành chức năng các địa phương, cụ thể là Sở Công Thương, Sở NNPTNT phải tìm kiếm doanh nghiệp đến kết nối tiêu thụ lúa ở các HTX, có như vậy người dân trong HTX mới yên tâm hợp tác sản xuất.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, thực tế ở ĐBSCL có nhiều HTX liên kết sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ đạt hiệu quả cao., được nhiều doanh nghiệp tìm mua với giá cao và liên kết tiêu thụ qua nhiều vụ lúa liên tiếp. 

Trong thời gian tới, các địa phương cần hình thành thêm nhiều HTX tương tự, từng bước đưa lúa chất lượng cao của vùng sang Âu, Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem