Liên tục đổ tiền vào công nghệ, Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ

04/11/2019 12:55 GMT+7
Các chuyên gia Trung Quốc mới đây vừa lên tiếng bác bỏ nhận định của một quan chức Lầu Năm Góc rằng Trung Quốc đang vượt lên Mỹ trên nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng.

Trung Quốc chưa thể vượt mặt Mỹ trong cuộc đua công nghệ?

Liên tục đổ tiền phát triển công nghệ, Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ - Ảnh 1.

Công nghệ Trung Quốc bao giờ bắt kịp Mỹ?

Hồi đầu tuần trước, Michael Brown - một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc hiện đang bắt kịp và dần vượt qua Mỹ trên nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, mạng 5G, công nghệ di truyền và không gian. Đây không chỉ là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội lâu dài mà còn được ứng dụng trong hoạt động quân sự, do đó ảnh hưởng to lớn đến vị thế quốc gia trên chính trường quốc tế.  

“Tôi tin rằng vấn đề an ninh kinh tế có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc gia” - ông Michael Brown nhấn mạnh. 

Theo vị quan chức Bộ Quốc phòng, Trung Quốc đã dẫn trước Mỹ trong lĩnh vực khoa học lượng tử, khi nước này phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới mang tên Micius vào năm 2016 trên nền tảng một thí nghiệm lượng tử trị giá 100 triệu USD. Thống kê còn cho thấy trong năm 2018, Trung Quốc đã không ngừng tăng tốc các chương trình công nghệ vũ trụ bằng cách thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa vào vũ trụ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. 

Trong cuộc đua 5G, gã khổng lồ viễn thông Huawei hiện vẫn là nhà tiên phong bất chấp những nỗ lực kìm chế từ Nhà Trắng. Tính đến hết tháng 10/2019, Huawei đã giành được 60 hợp đồng phát triển 5G tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông Michael Brown còn chỉ ra Trung Quốc cũng đang bắt kịp Mỹ trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo, với hàng loạt thành tựu từ các tập đoàn như Hikvision hay Dahua Technology. Trùng hợp là cả hai công ty mới đây vừa bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen do những cáo buộc tham gia vào hoạt động vi phạm nhân quyền tại khu vực Tân Cương. Còn Huawei không nằm ngoài tầm ngắm đã lọt danh sách đen kể từ tháng 5/2019.

“Trong khoảng 8 thập kỷ vừa qua, Mỹ là kẻ tiên phong trong hầu hết các ngành công nghiệp và lĩnh vực công nghệ quan trọng. Nhờ đó, Mỹ đã xây dựng và định hình nên một hệ sinh thái công nghệ toàn cầu và tận hưởng những lợi thế to lớn của nó trong phát triển kinh tế, xác lập vị thế chính trị. Nhưng giờ đây, việc công nghệ Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua có thể sẽ làm thay đổi trật tự trò chơi” - ông Michael Brown nhấn mạnh mối quan ngại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, Michael Brown thực chất đã phóng đại các thành tựu công nghệ của Bắc Kinh và biến nó thành mối quan ngại lớn hơn nhiều lần thực tế. Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích và cả Bắc Kinh đã nhiều lần lên án mục đích thực sự đằng sau xung đột thương mại Mỹ Trung là kìm chế những tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc. Bằng chứng là Nhà Trắng từ lâu đã nhắm mục tiêu chỉ trích vào chiến lược Made in China 2025 tập trung phát triển 10 ngành công nghệ Trung Quốc mũi nhọn theo hướng tự lực, tự cường, tự chủ.

Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông khẳng định rằng Mỹ hiện là quốc gia đạt những thành công vượt bậc so với bất kỳ quốc gia nào khác trong lĩnh vực công nghệ vũ trị. Nhiều thập kỷ đã qua đi nhưng cho đến giờ, chưa có quốc gia nào đạt đến trình độ tương đồng với Mỹ trong những dự án nổi tiếng như Apollo...

Dù Trung Quốc có đạt được những tiến bộ đột phá trong một số lĩnh vực như 5G, nhưng thực chất vẫn tồn tại một khoảng cách rõ ràng giữa trình độ công nghệ thông tin và điện tử kỹ thuật số của nước này với các siêu cường công nghệ thế giới mà dẫn đầu là Mỹ, theo ông Song Zhongping. 

Đổ thêm 50 tỷ NDT vào phát triển công nghệ, Trung Quốc tham vọng gì?

Liên tục đổ tiền phát triển công nghệ, Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ - Ảnh 4.

5G là một trong những ngành công nghệ Trung Quốc đang thống trị toàn cầu

Dù các quan chức Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh Trung Quốc không có ý định cạnh tranh hay giành lấy vị thế của thế lực nào trong cuộc đua công nghệ - chính trị, nhưng những động thái của nó lại không thể hiện điều đó. Một báo cáo chính thức đăng trên tờ Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc mới đây chỉ ra Quỹ đầu tư công nghiệp tiên tiến (AMIIF) thuộc sở hữu nhà nước hiện đang có kế hoạch đổ thêm 50 tỷ NDT (khoảng 7,1 tỷ USD) để phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn trong nước. 

Thành lập năm 2016 nhưng AMIIF được chống lưng bởi hàng loạt nhà đầu tư thế lực như SDIC - công ty đầu tư nhà nước lớn nhất Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp...

Ngay từ khi mới thành lập, AMIIF đã huy động tới 20 tỷ NDT để hỗ trợ cho sáng kiến chiến lược Made in China 2025 của chính quyền Tập Cận Bình (một sáng kiến tập trung phát triển 10 ngành công nghệ trọng điểm bao gồm hàng không vũ trụ, Robot, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, tin học…). Mục đích của sáng kiến không dừng lại ở việc phát triển 10 ngành trên đến trình độ cao mà còn mong muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài theo hướng tự chủ, tự lực tự cường. Do đó, Made in China 2025 từ lâu đã bị Washington chỉ trích nặng nề.

20 tỷ NDT huy động trong giai đoạn 1 đã được AMIIF chi trọn cho lĩnh vực robot công nghiệp, phương tiện giao thông năng lượng tái tạo và vận tải đường sắt. 50 tỷ NDT huy động mới đây có thể sẽ được dùng tài trợ cho việc nâng cao khả năng sản xuất của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù không trực tiếp đề cập đến việc phân bổ vốn tài trợ vào các lĩnh vực trong chiến lược Made in China 2025, nhưng rõ ràng mục đích nâng cao chất lượng sản xuất chắc chắn sẽ phải thông qua phát triển các ngành công nghệ Trung Quốc mũi nhọn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục