LienVietPostBank thời ông Nguyễn Đình Thắng: Cổ phiếu tậm tịt dưới mệnh giá

30/12/2019 15:15 GMT+7
Cổ phiếu LBP của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) dưới thời ông Nguyễn Đình Thắng có chuỗi ngày dài tậm tịt dưới mệnh giá. Và ngày 30/12/2019, ông Nguyễn Đình Thắng đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank.

Người giàu nhất LienVietPostBank

Trong ngày gần cuối cùng của năm 2019, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) tạo nên một bất ngờ lớn trong thị trường tài chính. Ngày 30/12, tại cuộc họp định kỳ tháng 12, Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã thông qua đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đình Thắng theo nguyện vọng cá nhân.

Đồng thời, Hội đồng quản trị LienVietPostBank thống nhất bầu ông Huỳnh Ngọc Huy - thành viên Hội đồng quản trị giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ III (2018 – 2023) kể từ ngày 30/12/2019.

Đây là thông tin rất bất ngờ vì trong chưa đầy 2 năm nắm giữ ngôi vị cao nhất tại LienVietPostBank, ông Thắng có mối quan hệ khá mật thiết với ngân hàng. Mối quan hệ gắn bó thể hiện ở việc ông có nhiều năm cống hiến cho LienVietPostBank và ông là… người LienVietPostBank giàu nhất.

LienVietPostBank thời ông Nguyễn Đình Thắng: Cổ phiếu tậm tịt dưới mệnh giá - Ảnh 1.

LienVietPostBank thời ông Nguyễn Đình Thắng: Cổ phiếu tậm tịt dưới mệnh giá

Cụ thể, trước khi trở thành "người LienVietPostBank", ông Thắng nổi danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khi máy tính bắt đầu "phổ cập" ở Hà Nội, những cái tên đầu tiên nắm giữ thị trường không phải Thế giới di động hay FPT mà là Trần Anh,Hồng Cơ,…

Tuy nhiên, trước sự "bành trướng" của Trần Anh, nhiều công ty đã bị lãng quên, trong đó có Hồng Cơ. Ít ai biết, thời gian đó, Ông Nguyễn Đình Thắng là Chủ tịch HĐTV - Công ty TNHH Tin học và Thương mại Hồng Cơ (nay là Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ). Ngoài Hồng Cơ, ông Nguyễn Đình Thắng còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch tại hàng loạt công ty công nghệ khác.

Năm 2008, ông Thắng lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng khi trở thành Thành viên Hội đồng quản trị LienVietPostBank. Từ ngày 12/5/2017 đến đến ngày 28/3/2018, ông Thắng được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng. Từ 28/3/2018 đến 30/12/2019, ông Thắng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank.

LienVietPostBank gắn liền với tên tuổi của ông Dương Công Minh và ông Nguyễn Đức Hưởng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đình Thắng mới là cá nhân giàu nhất cùng LienVietPostBank. Hiện ông là cổ đông lớn thứ 3 tại ngân hàng này chỉ sau Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Công ty TNHH H.T.H.

Với việc sở hữu hơn 32 triệu cổ phiếu LPB, ông Thắng có trong tay gần 250 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 164 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu tậm tịt dưới mệnh giá

Ông Thắng có cả thập kỷ gắn bó với LienVietPostBank. Vì vậy, khi ông được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, giới tài chính không quá bất ngờ. Tuy nhiên, ngay trong quý 2/2018, quý đầu "ra mắt", kết quả lại không được tốt.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2018 của LienVietPostBank, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 129 tỷ đồng, giảm 227 tỷ đồng, tương đương 63,8% so với quý 2/2017, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 546 tỷ đồng, giảm 161 tỷ đồng, tương đương 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận LienVietPostBank lao dốc là chi phí lãi tăng quá cao, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thu nhập từ lãi.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý 2/2018 tăng 576 tỷ đồng, tương ứng 20,2% lên 3.432 tỷ đồng nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự lại tăng 1.025 tỷ đồng, tương ứng 66,3% so với quý 2/2017.

Không hiểu tại sao chi phí lãi vay của ngân hàng lại tăng đột biến trong kỳ vì tại thời điểm đó, lãi suất huy động của LienVietPostBank ổn định ở mức trung bình. Lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ là 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Phải đến tháng 6/2018, lãi suất mới nhích nhẹ lên 7,4%/năm. LienVietPostBank có mức lãi 7,8%/năm nhưng chỉ những khách hàng có khoản tiền gửi 300 tỷ đồng trở lên mới được hưởng mức cao ngất ngưởng này.

Còn tới quý 3/2019, thời điểm trước khi ông Thắng rời vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, LienVietPostBank có cải thiện mạnh về lợi nhuận. Thế nhưng, đằng sau con số "đẹp" đó, vẫn còn rất nhiều vấn đề LienVietPostBank phải giải quyết.

Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của LienVietPostBank đạt 413 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng, tương ứng 47,5% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.311 tỷ đồng, tăng 485 tỷ đồng, tương ứng 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp một phần không nhỏ giúp lợi nhuận LienVietPostBank tăng mạnh chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm sâu. Chỉ tiêu này giảm từ 204 tỷ đồng quý 3/2018 xuống chỉ còn 124 tỷ đồng quý 3/2019. Chi phí này được cắt giảm bất chấp nợ xấu tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ. Tại thời điểm 30/9/2019, nợ xấu tại LienVietPostBank đạt 1.989 tỷ đồng, tương ứng 1,48% tổng dư nợ tín dụng, tăng nhẹ so với 1.681 tỷ đồng và 1,41% hồi đầu năm.

Kết quả kinh doanh được cải thiện nhưng LienVietPostBank vẫn còn nhiều vấn đề nên dưới thời ông Nguyễn Đình Thắng, cổ phiếu LPB có chuỗi ngày dài tậm tịt dưới mệnh giá.

Đóng cửa phiên giao dịch 30/12/2019, cổ phiếu LPB đứng ở mức 7.600 đồng/CP, thấp hơn 24% so với mệnh giá.

My My
Cùng chuyên mục