Loạt ngân hàng và các tập đoàn lớn vào “tầm ngắm” của Kiểm toán Nhà nước năm 2021
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, việc tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán nhằm xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước - năm 2015 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
"Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm nhằm tổ chức thực hiện trong toàn ngành nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương" - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Về kiểm toán chuyên đề, Tổng KTNN cho biết cũng dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.
Kiểm toán việc hoàn, miễn, giảm, giãn thuế… của năm 2020
Theo đó, lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 26 cuộc kiểm toán. Trong số đó, 3 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng hướng tới môi trường, cụ thể việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020; Hoạt động quản lý môi trường tại các ban quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với công tác quản lý Nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá nhằm đánh giá việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020; việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019...
Loạt ngân hàng vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước năm 2021
Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng. Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…
Thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, Tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động, khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các ngân hàng nằm trong danh sách kiểm toán năm 2020 là: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Những Tổng công ty, Tập đoàn lớn nằm trong diện kiểm toán gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Điện lực TKV; Tổng công ty Thép Việt Nam; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước...