Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý 52.000 tỉ, chuyển 5 hồ sơ sang công an

13/10/2020 13:49 GMT+7
Trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 169 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30.9.2020 là 52.970 tỉ đồng, tăng thu 3.074 tỉ đồng, giảm chi ngân sách 10.700 tỉ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỉ đồng.

Chuyển 5 hồ sơ sang cơ quan điều tra

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về công tác năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 10, quốc hội khoá XIV.

Trong 9 tháng đầu năm, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán: Chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế TNCN của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (02 vụ việc).

Chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (02 vụ việc).

Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích

Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán các doanh nghiệp, tổng công ty. Một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp như Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.

Cũng theo Kiểm toán, thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 9 mặt bằng đất tại Dự án Rạch Ụ Cây trước khi có quyết định giao đất, không có cơ sở xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất không thông qua đấu giá, thông báo và thu tiền sử dụng đất đối với 02 mặt bằng đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ không theo quy định Luật Đất đai.

Một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn như nợ khó đòi tại Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) là 214,4 tỉ đồng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỉ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. PVPower - Công ty mẹ: Cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 chỉ đạt 0,2% tổng vốn đầu tư, trích lập dự phòng 100%/vốn đầu tư tương ứng 20,2 tỉ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Công ty mẹ đầu tư vào 1/5 công ty con lỗ; 5/17 công ty liên doanh lỗ.

Nhiều nơi còn tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn, thuộc diện phải giám sát đặc biệt.

Dự án BT tại Thủ Thiêm nhiều bất cập

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh xử lý tài chính và xử lý khác 663,2 tỉ đồng.

Chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán chưa tốt, còn bất cập, trong đó: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc tổng mức đầu tư được duyệt là 3.345,6 tỉ đồng, tuy nhiên giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỉ đồng. Giá trị dự toán tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại hợp đồng BT còn 1.776,5 tỉ đồng (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu).

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 tổng mức đầu tư được duyệt là 4.260,1 tỉ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.082,4 tỉ đồng, giá trị dự toán là 2.504,5 tỉ đồng (bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu). Dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính tổng mức đầu tư được duyệt là 12.182,1 tỉ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 8.265,1 tỉ đồng, giá trị dự toán là 6.511,8 tỉ đồng (bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu.

Kiểm toán còn chỉ ra rằng, việc xác định giá trị dự toán chưa chính xác, KTNN kiến nghị giảm của 03 dự án là 244,3 tỉ đồng. Trong đó, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc giảm 83,5 tỉ đồng; Dự án cầu Thủ Thiêm 2 giảm 37,5 tỉ đồng; Dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính giảm 123,3 tỉ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, cả 03 dự án chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần 03 năm làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.

  Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 

Theo Phạm Dung/LĐO
Cùng chuyên mục