dd/mm/yyyy

Loay hoay giải bài toán cung ứng giống cây trồng công nghệ cao

Sau 10 năm thực hiện chương trình phát triển giống, nhất là giống cây trồng trong nông nghiệp công nghệ cao, song những nỗ lực của ngành nông nghiệp thành phố vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Chương trình phát triển giống cây trồng cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các trung tâm nghiên cứu cho tới chính sách thu hút đầu tư của thành phố để gỡ khó cho nông dân và doanh nghiệp.

Không cung ứng đủ cho thị trường

Loay hoay giải bài toán cung ứng giống cây trồng công nghệ cao - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bé - chủ vườn lan ở huyện Củ Chi tự làm giống lan để cung cấp cho các tỉnh thành. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Hạt giống là sinh vật sống, cần điều kiện chế biến, đóng gói, bảo quản tốt. Doanh nghiệp rất muốn được chính quyền TP.HCM tạo điều kiện được thuê đất dài hạn từ 20-50 năm để tổ chức nghiên cứu sản xuất được lâu dài và ổn định".

Ông Nguyễn Văn Thành

Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (NNCNC-AHTP) được xem là hình mẫu trong việc lan tỏa ứng dụng CNC vào sản xuất giống và sản xuất nông nghiệp nói chung. Ông Đỗ Việt Hà - Phó Trưởng Ban quản lý AHTP cho biết, hơn 10 năm đi vào hoạt động, AHTP đã khẳng định vai trò hạt nhân của mình.

Đơn cử, AHTP đã cung cấp 15 triệu hạt giống dưa lưới cho thị trường. Nếu tính ra giá trị thì số hạt giống này làm giảm đi hơn 30 tỷ đồng tiền nhập khẩu hạt giống và tạo ra lợi nhuận trên 20ha khoảng 100 tỷ đồng nữa. Một ví dụ như thế để chứng minh hoạt động NNCNC tương đối hiệu quả và khẳng định sự làm chủ về công nghệ lai tạo hạt giống có chất lượng.

Tuy nhiên, nỗ lực đóng góp vào lĩnh vực giống và ứng dụng CNC thì một mình AHTP là chưa đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường. "Điển hình là cây hoa lan nhu cầu trên địa bàn thành phố là rất lớn"- ông Hà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bé - chủ vườn lan Minh Dũng (huyện Củ Chi) thì nói, khả năng cung ứng giống của các đơn vị nhà nước hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân.

Bà Bé cũng thường xuyên hỗ trợ để các đơn vị nhà nước triển khai mô hình mô hình sản xuất lan thử nghiệm ngay trên vườn trồng của mình. "Nhưng kết quả cũng chỉ để ngó chơi chứ không xài được. Tôi vẫn dùng kinh nghiệm bản thân để tự sản xuất lan giống, cung cấp cho bạn hàng khắp các tỉnh thành"- bà Bé nói.

Không chỉ với giống lan mà cả với các loại giống cây trồng khác, thị trường luôn là yếu tố quyết định với công tác giống. Việc chọn tạo và đánh giá giống mới phải luôn liên quan đến nông dân. "Các giống mới không thể tạo ra bất kỳ tác động nào trên thị trường nếu chúng không được nông dân chấp nhận"- bà Bé nhấn mạnh.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của ngành nông nghiệp thành phố mỗi năm cung cấp 30-40 triệu cây lan. Ngoài AHTP, Trung tâm Công nghệ sinh học cũng là đơn vị đầu tàu trong triển khai ứng dụng NNCNC của TP.HCM.

Nhưng thực tế đến nay, AHTP chỉ cung cấp được khoảng 1,2 triệu cây lan từ cấy mô. Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cũng chỉ cung cấp được 200.000 cây lan. Con số thiếu hụt còn lại là rất lớn.

Doanh nghiệp than khó

Theo Sở NNPTNT; thành phố hiện có 34 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Mục tiêu đến năm 2030, trong lĩnh vực giống hoa cây kiểng, hàng năm đưa vào sản xuất 5-7 giống mới, hoàn thiện 7-10 quy trình nhân giống, cung cấp 30-40 triệu cây giống. Trong đó, phấn đấu cung cấp 80-90% nhu cầu giống lan.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT đánh giá, 80-90% là con số rất lớn, đòi hỏi nỗ lực hợp tác triển khai từ nhiều phía. Việc đặt con số mục tiêu như thế cũng nhằm hạn chế việc nhập khẩu giống từ nước ngoài. Muốn vậy, không chỉ các trung tâm nghiên cứu mà doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp giống, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Chi hội Thương mại giống, cây trồng Đông Nam Bộ và TP.HCM cho rằng ngay cả trong quá trình nhập khẩu hạt giống, doanh nghiệp cũng gặp nhiều nhiêu khê. Điển hình là các vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu hạt giống hiện nay khiến các doanh nghiệp chưa thể thông quan hàng hóa với chính sách miễn thuế tại Cục Hải quan TP.HCM.

Theo báo cáo của của Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ, TP.HCM hiện có hơn 200 công ty nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu giống cây trồng, có trụ sở chính trên dịa bàn TP.HCM. Thế nhưng, hầu hết các công ty này đều phải thuê đất và tổ chức nghiên cứu sản xuất hạt giống trên địa bàn các tỉnh miền Đông hoặc Tây Nam Bộ.

 Ông Thành phân tích, việc thuê đất, đầu tư nhà xưởng ở các tỉnh để tổ chức sản xuất kinh doanh làm tăng chi phí và giá thành. Doanh nghiệp khó cạnh tranh được với các đơn vị nước ngoài cùng ngành nghề. Đặt cơ sở sản xuất ở tỉnh khác thì vô tình lại đóng góp cho ngân sách các địa phương khác dù có trụ sở ở TP.HCM.

Ông Thành đánh giá, những rào cản về chính sách cũng như bất cập về thụ tục giao, thuê đất quá nhiêu khê đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ, đến giờ, nhiều dự án vẫn còn năm trên giấy, không biết bao giờ các doanh nghiệp mới được giao thuê đất.


Nguyên Vỹ