Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra lao dốc
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid 19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho việc tiêu thụ giảm và xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%. Giãn cách xã hội trong tháng 4 khiến thương mại quốc tế bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn, thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.
Trong đó cá tra là mặt hàng thủy sản chịu ảnh hưởng năng nề nhất với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 31% trong nửa đầu năm. Với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao và giá xuất khẩu thấp khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng lao dốc nhanh.
Doanh nghiệp đầu ngành Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) công bố lợi nhuận quý II giảm phân nửa cùng kỳ xuống 215 tỷ đồng khi hoạt động kinh doanh công ty mẹ giảm sút do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra quý II/2019 công ty cũng có lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng vốn nhà máy Vạn Đức Tiền Giang.
Lợi nhuận 6 tháng tương tự giảm phân nửa còn gần 368 tỷ đồng, theo đó mới hoàn thành 46% kế hoạch cả năm trong kịch bản thấp và gần 35% trong kịch bản cao.
Vĩnh Hoàn đang thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Bên cạnh hoạt động truyền thống xuất khẩu cá tra, doanh nghiệp đang hướng đến tăng doanh số bán mỡ cá và bột cá 20% trong năm nay, tăng 60% doanh số sản phẩm collagen và gelatin nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động…
Công ty Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và giá bán sản phẩm giảm. Lợi nhuận quý II giảm đến 79% so với cùng kỳ còn 32 tỷ đồng và thấp nhất kể từ đầu năm 2017.
Lũy kế 6 tháng doanh thu thuần giảm 14% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 79% xuống mức 75,5 tỷ đồng. Dù đã đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 giảm sâu 72% về 200 tỷ đồng, công ty cũng mới thực hiên được 38% chỉ tiêu trong nửa đầu năm.
|
Thị trường xuất khẩu gặp nhiều bất lợi khi giảm 52% còn 399 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên điểm sáng của Navico lại ở thị trường nội địa khi có doanh thu thuần đạt 485 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ 2019 và lần đầu tiên doanh thu nội địa vượt xuất khẩu.
Thị trường tiêu thụ cá tra nội địa không lớn và chưa được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác; tuy nhiên với sự khó khăn từ hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác nhu cầu trong nước. Được biết Navico mới đây đã hợp tác tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi phân phối của VinEco thuộc Masan Group, hay công ty IDI hợp tác với BigC, công ty Gò Đàng và công ty Hùng Cá hợp tác với Hapro…
Công ty Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I ( HoSE: IDI ) có lợi nhuận quý II giảm 61% về mức 26 tỷ đồng. Công ty cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu cá tra fille đông lạnh khi thị trường bị gián đoạn, giá xuất khẩu giảm mạnh.
Lợi nhuận 6 tháng giảm đến 82% so với cùng kỳ, còn hơn 40 tỷ đồng. Năm 2020, công ty muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời liên kết với các hộ nuôi để chủ động được khoảng 90–95% nguồn nguyên liệu. Dù vậy kế hoạch lợi nhuận cả năm giảm 39% xuống 160 tỷ đồng, do đó tỷ lệ thực hiện kế hoạch mới đạt 25% sau nửa năm.
Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang ( HoSE: ACL ) chỉ có lãi 4 tỷ đồng trong quý II, giảm 93% so với cùng kỳ 2019. Sau nửa năm kinh doanh, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, giảm 95% và mới thực hiện 7% kế hoạch năm.
Thậm chí Thủy sản Mekong ( HoSE: AAM ) còn lỗ gần 600 triệu đồng trong quý II (cùng kỳ có lãi 3,7 tỷ đồng) do doanh thu xuất khẩu giảm phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 71 triệu đồng và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng năm nay.
Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra giảm mạnh. |