Lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng tích cực, cơ hội nào cho các doanh nghiệp phân bón trong năm 2024?
Toàn cảnh lợi nhuận ngành phân bón quý I/2024
Trong đó, có duy nhất 1 doanh nghiệp "thoát" lỗ, 2 doanh nghiệp giảm lãi và 4 doanh nghiệp còn lại có lợi nhuận tăng trưởng dương.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong nhóm 7 doanh nghiệp thống kê. Trong quý I/2024, doanh thu thuần của Hóa chất Đức Giang ở mức 1.618,6 tỷ đồng, lãi trước thuế 769,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Sau Hóa chất Đức Giang là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) và CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM).
Tại quý I/2024, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần ở mức 2.744 tỷ đồng, lãi trước thuế 382,6 tỷ đồng, lần lượt đi ngang và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ sản lượng xuất bán của mặt hàng Ure tăng so với cùng kỳ năm trước, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần ở mức 3.159,2 tỷ đồng, lãi trước thuế 328,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 46% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là doanh nghiệp có doanh thu "khủng" nhất trong danh sách doanh nghiệp niêm yết thống kê.
Tại Hóa chất Lâm Thao, doanh nghiệp cho biết, trong quý này, thị trường phân bón trong nước và thế giới biến động khó lường, làm cho công ty khó khăn trong việc lựa chọn mua nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là quặng Apatit làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đơn vị này đã có những cải tiến kỹ thuật và linh hoạt trong việc mua quặng Apatit đủ để sản xuất Supe lân nên lượng tiêu thụ trong quý này đủ cung cấp ra thị trường. Qua đó, Hóa chất Lâm Thao báo lãi trước thuế 65,8 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Công ty DAP Vinachem (UPCoM: DDV) trở thành doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khi lợi nhuận trước thuế quý I năm nay đạt 32,6 tỷ đồng, tăng hơn 45 lần so với cùng kỳ năm trước (gần 0,7 tỷ đồng).
DAP Vinachem cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ kỳ này ghi nhận 784,3 tỷ đồng, tăng 5% so với quý I/2023 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng. Cụ thể, sản lượng DAP tiêu thụ là 57.836 tấn, tăng 15,7%.
Còn CTCP Phân bón miền Nam (HoSE: SFG) là một trong hai doanh nghiệp giảm lãi trong quý này (sau Hóa chất Đức Giang). Phân bón miền Nam báo lãi trước thuế 5,1 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) là doanh nghiệp thoát lỗ trong kỳ này khi báo lãi 38,2 tỷ đồng. Ở cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp này lỗ 129,5 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Đạm Hà Bắc cho biết hệ thống sản xuất của công ty đã ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường, hoàn thành vượt kế hoạch. Ngoài ra, thị trường phân bón diễn biến tích cực trong quý I, do ảnh hưởng từ chiến tranh Biển Đỏ làm giá Urê tăng nhẹ, dù giá NH3 đi xuống vì cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, Đạm Hà Bắc cũng cho biết yếu tố chính giúp doanh nghiệp đi ngược dòng trong kỳ là nhờ chi phí lãi vay giảm đáng kể, do đề án tái cơ cấu các khoản nợ đầu tư của doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, việc được xóa nợ lãi tính trên lãi trả chậm, hạch toán gần 142 tỷ đồng vào quý 1 cũng kéo kết quả đi lên.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp phân bón Việt Nam?
Theo thông tin của Bloomberg và đại diện từ Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, Trung Quốc gần đây đã tạm dừng xuất khẩu urê.
Các chuyên gia SSI Research cho rằng, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê trong bối cảnh nhu cầu từ Ấn Độ tăng cao sẽ hỗ trợ giá urê trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Lúa là cây trồng nhiều nhất ở Ấn Độ. Giá gạo đã tăng 34% so với đầu năm do nguồn cung giảm do ảnh hưởng El Nino.
Ngoài gạo, nguồn cung đường cũng bị ảnh hưởng bởi El Nino, khiến Ấn Độ phải tăng cường diện tích trồng trọt. Vì vậy, nhóm chuyên gia SSI dự báo, Ấn Độ sẽ cần urê để tăng diện tích trồng lúa và mía trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng. Ấn Độ chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023.
Còn các chuyên gia tại VCBS nhận định, trong năm nay, các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu để phát triển pin LFP và sản xuất chất bán dẫn cho các thiết bị 5G.
Nhờ đó, các doanh nghiệp đầu tư mạnh loại hóa chất này tại Việt Nam như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) và CTCP DAP - Vinachem (DDV) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi lớn với mức dự báo lợi nhuận ròng tăng trưởng 25-30% so với năm trước.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia VCBS dự báo, giá urê trong nước sẽ dần giảm nhẹ, đồng pha với giá thế giới. Nguồn cung nội địa có thể bị ảnh hưởng khi nguồn cung cấp khí trong nước được dự báo bắt đầu giảm kể từ năm 2025.
Gần nhất là giá Urê trong quý II/2024 dự báo sẽ giảm nhẹ theo biến động của giá Urê thế giới vào và tăng trở lại kể từ tháng 5 khi nhu cầu trong nước tăng do bước vào vụ hè Thu.
Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu. Điểm đáng chú ý là nguồn cung khí nội địa được dự báo giảm dần từ 2025 có thể khiến chi phí sản xuất của các nhà máy đạm phía nam tăng lên, theo đó tạo ra mặt bằng giá mới cho giá phân bón.