Lợi nhuận 'sánh đôi' cùng dòng nước, dự báo El Nino đẩy doanh nghiệp thuỷ điện ra khỏi pha thuận lợi

14/09/2023 21:00 GMT+7
Dữ liệu tổng hợp 12 doanh nghiệp thủy điện niêm yết của Etime cho thấy, tại ngày kết thúc quý II/2023, trữ tiền chỉ bằng 1/3 tổng vay nợ. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện 6 tháng đầu năm 'sánh đôi' cùng mực nước, giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trữ tiền doanh nghiệp thuỷ điện hồi phục, nhưng....

Tổng hợp dữ liệu Báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng đầu năm 2023 của 12 doanh nghiệp thủy điện niêm yết trên sàn cho thấy, tại ngày 30/6/2023, tổng trữ tiền của 12 doanh nghiệp này giảm nhẹ so với đầu năm.

Cụ thể, sau khi kết thúc quý I/2023, trữ tiền giảm trung bình 22% so với đầu năm về mức 1.482 tỷ đồng và ngay lập tức tăng lên mức 1.773 tỷ đồng khi kết thúc quý II/2023, phục hồi 20% so với cuối quý I/2023 nhưng vẫn giảm 6% so với đầu năm.

Một số doanh nghiệp thủy điện ghi nhận tiền mặt tăng so với đầu năm như: GHC ở mức 278 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng; SBA ở mức 119 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng… Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có trữ tiền giảm so với đầu năm như: TMP còn 640 tỷ đồng, giảm 142 tỷ đồng; TBC còn 80 tỷ đồng, giảm 125 tỷ đồng…

Doanh nghiệp thủy điện: Vay nợ gấp nhiều lần tiền mặt, lợi nhuận 'sánh đôi' cùng dòng nước - Ảnh 1.

Thống kê trữ triền so với vay nợ của 12 doanh nghiệp thủy điện niêm yết (tỷ đồng). Nguồn: BCTC sau soát xét bán niên 2023.

Tuy nhiên, tại cùng thời điểm, con số tổng tiền mặt của các doanh nghiệp thủy điện này chỉ bằng 31% tổng vay nợ. Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, tổng vay nợ của 12 doanh nghiệp thủy điện niêm yết này ở mức hơn 5.700 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với đầu năm ở mức hơn 6.140 tỷ đồng.

Dù vậy, hết quý II/2023, một số doanh nghiệp thủy điện ghi nhận mức trữ tiền thấp so với vay nợ như: VSH bằng 4% tổng vay nợ, QPH bằng 14% tổng vay nợ… Đáng chú ý, DRL, HJS là 2 doanh nghiệp ghi nhận tổng ghi nợ là 0 đồng và TMP là doanh nghiệp duy nhất có trữ tiền gấp 1,6 lần vay nợ.

Lợi nhuận "sánh đôi" cùng dòng nước - EL Nino dự sẽ đẩy doanh nghiệp thuỷ điện ra khỏi pha thuận lợi

6 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp thủy điện thống kê ghi nhận tổng doanh thu thuần ở mức 3.124 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng giảm khoảng 326 tỷ đồng. Tại thống kê 12 doanh nghiệp, VSH là doanh nghiệp duy nhất có doanh thu tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, đạt 1.549 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thủy điện: Vay nợ gấp nhiều lần tiền mặt, lợi nhuận 'sánh đôi' cùng dòng nước - Ảnh 2.

Biến động doanh thu thuần các doanh nghiệp thủy điện niêm yết (tỷ đồng). Nguồn: BTCT soát xét bán niên 2023.

Trong số đó, những doanh nghiệp báo tăng trưởng âm sâu như: SHP giảm 32% còn 216 tỷ đồng, TBC giảm 31% còn 239 tỷ đồng, GSM giảm 27% còn 48 tỷ đồng, HJS giảm 25% còn 72 tỷ đồng… Tổng có 11/12 doanh nghiệp thủy điện báo tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp thủy điện cũng đi lùi, điển hình như: GSM giảm 78% còn 4 tỷ đồng, SHP giảm 54% còn 68 tỷ đồng, TBC giảm 43% còn 128 tỷ đồng, HJS giảm 32% còn 32 tỷ đồng, GHC giảm 24% còn 80 tỷ đồng….

Doanh nghiệp thủy điện: Vay nợ gấp nhiều lần tiền mặt, lợi nhuận 'sánh đôi' cùng dòng nước - Ảnh 3.

Biểu đồ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp thủy điện niêm yết (tỷ đồng). Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2023.

Chỉ có 2/11 doanh nghiệp báo lãi tăng so với cùng kỳ, đó là: VSH tăng 11% lên 805 tỷ đồng, QPH tăng 5% lên 40 tỷ đồng. Kết quả, 6 tháng đầu năm, tổng 12 doanh nghiệp thủy điện niêm yết báo lãi 1.643 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguyên nhân lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ, nhóm doanh nghiệp thủy điện giải trình đa phần do hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài, thủy văn không thuận lợi, mưa muộn và ít, dẫn đến lượng nước thủy điện về hồ thấp hơn mọi năm. Vì thế, khi các hồ thủy điện ghi nhận mực nước trong hồ về gần mực nước chết, nhiều nhà máy thủy điện đã không thể sản xuất điện.

Số liệu của Tập đoàn EVN công bố, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp thủy điện chỉ chiếm 22% tỷ trọng nguồn điện trên cả nước, giảm tỷ trọng lần lượt 2% so với cùng kỳ năm 2021 và 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp thủy điện: Vay nợ gấp nhiều lần tiền mặt, lợi nhuận 'sánh đôi' cùng dòng nước - Ảnh 4.

Số liệu Tập đoàn EVN.

Cụ thể, nửa đầu năm 2023, thủy điện huy động 15,4 tỷ kWh, trong khi tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2021 là 30,5 tỷ kWh và 6 tháng đầu năm 2022 là 41,6 tỷ kWh, lần lượt giảm hơn 15 tỷ kWh và 26,2 tỷ kWh.

Đơn cử như GSM, một doanh nghiệp thủy điện có lãi giảm mạnh nhất trong nhóm doanh nghiệp thủy điện cho biết nguyên nhân chính do thời tiết không thuận lợi, lượng nước về hồ ít, ảnh hưởng đến sản lượng điện giảm dẫn đến doanh thu giảm mạnh.

Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, lượng mưa mùa VI - VIII năm 2023 có khả năng từ xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) ở phần lớn diện tích cả nước, cao hơn TBNN với Tây Nguyên & Nam Bộ, xác suất là 55 - 77%. Các chuyên gia VDSC dự đoán sản lượng điện của mảng thủy điện sẽ giảm trong nửa còn lại của năm 2023 do đỉnh điểm của El Nino được dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 11/2023 - tháng 1/2024.

Các nhà nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt đánh giá: Nhóm thủy điện đã ghi nhận tăng trưởng mạnh và đóng góp tỷ lệ cao vào lưới điện quốc gia từ nửa sau 2020 đến nay nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi (gần 3 năm liên tiếp La Nina). Tuy nhiên, từ nửa cuối 2023, chúng tôi kỳ vọng các nhóm điện còn lại, đặc biệt là nhiệt điện sẽ được nâng cao tỷ lệ huy động khi thủy điện ra khỏi pha thuận lợi. 

Khánh Ly
Cùng chuyên mục