Lợn liên tục “trượt” giá, lo lỗ người chăn nuôi phải bán tháo đàn
Suốt cả tháng qua, giá lợn hơi liên tục giảm, theo đó, mức giao dịch về dưới ngưỡng dưới 80.000 đồng/kg và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đánh giá nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, nỗi lo DTLCP quay lại khiến cho người chăn nuôi thấp thỏm vội vàng tìm cách bán tháo dẫn tới giá thị trường xuống thấp...
Chị Hà, chủ một trang trại lợn tại Nghệ An cho biết, trong trại vẫn còn hơn 300 con lợn đã hơn 100 kg/con. Tuy nhiên, hiện tại, số lợn trên chưa bán được do thương lái ép giá xuống 76.000 đồng/kg. Trong khi đó, cách đây vài hôm chị mới bán 100 con với giá 81.000 đồng/kg.
Cũng theo thông tin từ phía chị Hà, suốt một tháng qua, trang trại xuất 4 lứa lợn, mỗi lứa khoảng gần 100 con với trọng lượng 100kg/con nhưng giá mỗi lần đều giảm xuống hơn 2.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi lô lợn, chị mất hơn 20 triệu đồng.
"Giá xuống là do bị tác động từ thị trường miền Nam sau khi có thông tin tại khu vực này ồ ạt bán tháo lợn ra khu vực phía Bắc, kể cả những con chỉ mới 60-70 kg do ảnh hưởng của DTLCP và bệnh dịch tai xanh. Do đó, số lợn còn lại nếu không đợi được giá lên cũng đành phải bán trước khi nó còn rớt giá thêm", chị Hà cho biết.
Nhận định về thị trường thịt lợn, đại diện chợ đầu mối gia súc Hà Nam chia sẻ, trong những ngày qua, lượng lợn bán ra thị trường tăng mạnh. Điều này trái hẳn với tình trạng khan hiếm suốt hơn nửa năm vừa qua. Bên cạnh đó, giá lợn cũng giảm hẳn so với trước.
"Trước đây chúng tôi thường phải săn cả tháng trời mới mua được đàn lợn, hiện tại thì ngược lại, các mối cung cấp tăng lên rất nhiều, chúng tôi cũng dành quyền ra giá", vị này nói.
Cũng theo dự báo từ chợ đầu mối gia súc Hà Nam, trong những ngày tới do nhu cầu của người dân không tăng, nhiều khả năng, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên đổ xô bán vào thời điểm này.
Đặc biệt nghiêm trọng khi xuất hiện tình trạng nhiều hộ bán ra khi lợn chưa đủ trọng lượng. Điều này không những khiến con lợn mất giá mà còn khiến thị trường thêm bất ổn.
"Tính từ đầu năm đến nay, thời điểm này chính là kết quả bước đầu của tái đàn. Nếu không kiểm soát được việc chăn nuôi trong bối cảnh giá giống cao, lợn xuất chuồng lại giảm thì sẽ không còn động lực tái đàn tiếp. Khi đó, mọi nỗ lực tái đàn tiếp tục quay lại vòng luẩn quẩn, giá sẽ tăng mạnh trở lại", vị này chia sẻ.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết tháng 6, bệnh DTLCP phát sinh tại 773 xã tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con.
Trong đó, có 25 xã có ổ dịch phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.
Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.