Lúa gạo tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu
Cú huých EVFTA giúp giá lúa gạo tăng mạnh
Ước tính của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 11/2020 Việt Nam đã xuất gần 185.000 tấn gạo, thu về 98,8 triệu USD. Như vậy tính đến ngày 15/11/2020, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,5 triệu tấn gạo, thu về hơn 2,7 tỷ USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, liên tục trong 10 tháng đầu năm 2020, dù chịu những ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh song xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng mừng hơn, trong khi nhiều loại nông thủy sản khác như rau quả, hạt tiêu, cà phê thủy sản, điều… đều có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ thì riêng mặt hàng gạo vẫn tăng trưởng tốt.
Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên sàn thế giới liên tục đứng ở mức cao, có lúc vượt xa Thái Lan. Hiện tại, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 493-497 USD/tấn, cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Đáng chú ý, ở thị trường EU, nhờ cú huých của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu của các doanh nghiệp như Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời… đã có giá từ 600 - 1.000 USD/tấn.
Trước việc gạo được giá ở EU, để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo phát triển thị phần, quảng bá gạo Việt Nam tại thị trường EU cũng như tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ.
“Với sự tích cực và chủ động của các cơ quan ban ngành cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên EU, việc triển khai hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu và dừng lại trong vai trò của các cơ quan chức năng và tổ chức xúc tiến thương mại. Để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho chính mình để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này”, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận xét.
Nhu cầu thị trường khả quan
Hiện tại, cơ hội xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn rộng cửa bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ổn định. Cụ thể, theo ông Đỗ Hà Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ thế giới và mức giá xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ khá tốt. Riêng tại thị trường EU, tính đến 31/10 đã có 10 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 5.932 tấn gạo thơm sang các nước thành viên của EU. Từ đó, ông Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn.
Cùng chung nhận định này, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường như Philippines, EU… khá ổn định bởi nhiều đối tác nhập khẩu đã đặt hàng với công ty trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên theo bà Liên hiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó trong thu mua lúa gạo. Lý giải cụ thể bà Liên cho biết, ảnh hưởng của hạn mặn cùng với mưa bão trong đợt vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa của bà con nông dân bị thiệt hại, dẫn tới sản lượng thu hoạch không cao, kéo giá lúa gạo trong nước tăng mạnh. Trong khi đó giá xuất khẩu không tăng nhiều vì thế doanh nghiệp đang cân đối giữa giá xuất khẩu với giá thu mua cho nông dân để không ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận.
Ngoài ra, ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết thêm, việc dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới cũng đang gây ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển gạo. Cụ thể, dù nhu cầu thị trường thế giới vẫn cần gạo Việt Nam nhưng việc thiếu container xuất khẩu và các thuyền viên khi vận chuyển đến các nước lại bị cách ly, dẫn tới đơn hàng bị chậm lại. “Chúng tôi mong việc triển khai vắc-xin Covid-19 diễn ra nhanh chóng để các hoạt động giao thương được khôi phục trở lại”, ông Có chia sẻ.