Lúc thị trường phân bón khó khăn, Vinacam không đặt vấn đề mua tấn nào, giờ lại muốn mua 15.000 tấn?

Khương Lực Thứ bảy, ngày 13/03/2021 17:05 PM (GMT+7)
Đầu tháng 3/2021, trong lúc giá phân bón DAP tăng nóng và có biểu hiện khan hiếm, Công ty CP Tập đoàn Vinacam đề xuất với hai công ty là: Công ty TNHH MTV DAP Vinachem, Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem mua 15.000 tấn phân bón. Nhưng chỉ có một doanh nghiệp phản hồi cung cấp 2.000 tấn cho Vinacam.
Bình luận 0

Ngày 13/3, tại cuộc họp với lãnh đạo Hiệp hội phân bón và 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nêu vấn đề: "Vinacam có đề nghị hợp đồng cung cấp 15.000 tấn, nhưng một doanh nghiệp cung cấp được 2.000 tấn, một doanh nghiệp không nói rõ số liệu. Vấn đề này cụ thể thế nào?".

Lúc khó khăn không thấy Vinacam đặt mua

Thông tin về việc này, ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DAP Vinachem cho biết: Đúng là Vinacam có đề xuất với DAP Hải Phòng mua 15.000 tấn bắt đầu từ tháng 3, hợp đồng mở về thời gian.

Vì sao Vinacam mua 15.000 tấn phân bón DAP, hai doanh nghiệp trong nước không cung ứng đủ? - Ảnh 1.

Đại diện Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem: "Lúc thị trường khó khăn, Vinacam cũng không đặt vấn đề vào mua của doanh nghiệp tấn phân bón nào cả. Nhưng đến bây giờ lại đặt vấn đề mua". Ảnh: Khương Lực.

Tuy nhiên, theo ông Bằng, nguyên tắc của doanh nghiệp là bán hàng tiêu thụ qua kênh đại lý truyền thống. Đại lý truyền thống có đặc thù là người ta sẽ chung thủy với sản phẩm của mình, người ta không chọn sản phẩm khác để thay thế.

Trên sơ sở số lượng bán cho các đại lý truyền thống, doanh nghiệp vẫn còn lượng dự phòng khoảng 5.000 tấn nên bán cho Vinacam 2.000 tấn và tiếp tục bán trong những tháng tiếp theo.

Lúc thị trường khó khăn, Vinacam cũng không đặt vấn đề vào mua của doanh nghiệp tấn phân bón nào cả. Nhưng đến bây giờ lại đặt vấn đề mua.

Đại diện Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem

Ông Bằng hy vọng Vinacam là một đại lý mới và hình thành một đối tác truyền thống. "Tại sao không bán được hàng hơn? Vì tránh đầu cơ, bán 2.000 tấn cho tất cả các đại lý có quyền lợi như nhau" – ông Bằng giải thích.

Đại diện Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem thông tin thêm, doanh nghiệp có nhận được đề xuất mua 15.000 tấn phân bón DAP của Vinacam. Công ty có văn bản trả lời cũng chỉ nói rằng sẽ xem xét và cân đối với kế hoạch sản xuất, tiêu thụ trong thời gian tới để sắp xếp hàng cho phía Vinacam.

"Lúc thị trường khó khăn, Vinacam cũng không đặt vấn đề vào mua của doanh nghiệp tấn phân bón nào cả. Nhưng đến bây giờ lại đặt vấn đề mua" – đại diện Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem thông tin thêm và cho biết, hầu hết khách hàng tiêu thụ phân bón của công ty là các đại lý truyền thống ở trong nước. Sản lượng chủ yếu tiêu thụ trong quý I/2021 là cho thị trường nội địa.

Quyền lợi của các doanh nghiệp đang "vênh nhau"

Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện có hai luồng quan điểm về chính sách thuế tự vệ DAP và MAP, trong đó một bên đề nghị tạm hủy và một bên đề nghị tiếp tục duy trì.

"Về các thành viên Hiệp hội gồm nhiều doanh nghiệp có quyền lợi hơi khác nhau trong việc áp thuế phòng vệ. Trong đợt vừa rồi cũng giống như Cục BVTV, Hiệp hội nhận được khá nhiều các đề xuất, kiến nghị - kể cả bên thương mại và bên sản xuất. Riêng về truyền thông thì nhiều vô kể.

Vì áp thuế phòng vệ nó vênh quyền lợi giữa hai bên, cái đó là đương nhiên. Một bên mình sản xuất, nhưng bên thương mại lại thấy phải bỏ thêm hơn 1 triệu/tấn thì người ta đấu tranh. Suy cho cùng, mình sẽ xem được cái gì lớn hơn thì sẽ làm" – ông Phùng Hà nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trước diễn biến giá phân bón DAP, MAP tăng, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Khởi đầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam có văn bản gửi trực tiếp lên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NNPTNT, Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Tiếp đến có Thư kiến nghị lấy danh nghĩa là tập thể nông dân đồng bằng sông Cửu Long gửi lên Thủ tướng Chính phủ và một số ban, ngành khác của Trung ương phản ánh về giá phân bón DAP, MAP tăng giá và khan hiếm thời gian qua.

Để thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) sẽ tiếp tục cùng với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) duy trì thuế tự vệ với phân bón. 

Thực tế hiện nay giá sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước đang rẻ hơn so với phân bón nhập khẩu rất nhiều.

"Chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích của thuế tự vệ này mang lại là cơ hội để nâng cao năng lực của các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam, qua đó giúp chủ động nguồn cung phân bón, một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất trong nước" - ông Trung khẳng định.

Tăng tối đa công suất, ngừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước

Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV DAP Vinachem cho biết, trong quý I/2021, công ty đã tăng 150% công suất so với cùng kỳ, đạt sản lượng 70.000 tấn. Bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 25.000 tấn. Bắt đầu từ tháng 3/2021, hàng do công ty sản xuất đều được đưa vào miền Nam tiêu thụ.

Vì sao Vinacam mua 15.000 tấn phân bón DAP, hai doanh nghiệp trong nước không cung ứng đủ? - Ảnh 4.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật họp với lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam và 3 doanh nghiệp để đánh giá và bàn giải pháp tăng cung ứng, bình ổn giá phân bón DAP, MAP có diễn biến tăng giá và khan hiếm thời gian qua. Ảnh: Khương Lực.

Về giá bán phân bón bình quân của công ty trong tháng 1/2021 là 8,245 triệu đồng/tấn, tháng 2/2021 là 8,624 triệu đồng/tấn, tháng 3 ước khoảng 9,3 triệu đồng/tấn. Tương ứng với đó, giá bán ra thị trường tới tay người dân dao động từ 11.200 -11.700 đồng/kg, trong khi phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc bán khoảng 15.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem cho biết, trong năm 2020 do thị trường tiêu thụ khó khăn, công ty còn tồn kho 18.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, do nhu cầu tiêu thụ phân bón DAP tăng nên công ty đã tăng công suất từ 80% trong quý IV/2020 lên 85% trong quý I/2021, đạt sản lượng 68.000 - 70.000 tấn. 

"Do nhu cầu thị trường tăng cao nên công ty hiện không có hàng tồn kho" - ông Hưng nói.

Tại Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang – Lào Cai, ông Đào Hữu Duy Anh cho biết, công ty đang duy trì sản xuất với công suất 100.000 tấn/năm và đang cố gắng mở rộng sản xuất lên 150-200 nghìn tấn/năm. "Do mới bắt đầu sản xuất từ tháng 8/2020 nên công ty chỉ dự trữ 5.000 tấn, còn sản xuất ra đến đâu là bán hết đến đó" - ông Duy Anh nói.

Từ thông tin các doanh nghiệp cung cấp, ông Hoàng Trung đề xuất các doanh nghiệp tiếp tục tăng tối đa công xuất sản xuất phân bón DAP, MAP, đồng thời ngừng xuất khẩu phân bón để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đảm bảo giá bán hợp lý nhất. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã đồng ý thống nhất với đề xuất của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV.

Hiện nay, nhu cầu phân bón DAP, MAP của Việt Nam xung quanh 1 triệu tấn/năm, trong đó ba nhà máy trong nước công suất 710.000 tấn nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem