Lưỡng đảng Mỹ hợp tác thúc đẩy dự luật kiềm chế Trung Quốc

26/05/2021 16:26 GMT+7
Hiếm khi lưỡng đảng Mỹ đồng tình với nhau trong một vấn đề nào đó, trừ khi vấn đề đó là một dự luật đề xuất chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ năm 2021 trị giá khoảng 200 tỷ USD nhằm hạn chế ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc trên phạm vi rộng lớn hơn là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự đồng tình của lưỡng đảng.

Được tập hợp bởi Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer, dự luật đã thống nhất các thượng nghị sĩ ở cả lưỡng đảng bằng hàng loạt điều khoản thúc đẩy nghiên cứu và phát triển những công nghệ tối quan trọng với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Phạm vi của dự luật phản ánh nhiều mặt mâu thuẫn trong căng thẳng Mỹ Trung, bao gồm cả cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đầy cấp thiết đang dồn các nhà sản xuất ô tô và smartphone vào thế khó. Một số nội dung chính trong dự luật đề xuất bao gồm:

Cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước

81 tỷ USD ủy quyền cho Quỹ Khoa học Quốc gia từ năm tài khóa 2022 đến năm tài khóa 2026

16,9 tỷ USD ủy quyền cho Bộ Năng lượng trong cùng kỳ để nghiên cứu và phát triển các chuỗi cung ứng liên quan đến năng lượng phục vụ các lĩnh vực công nghệ quan trọng

10 tỷ USD ủy quyền khác dành cho chương trình hạ cánh trong sứ mệnh vũ trụ của NASA.

Lưỡng đảng Mỹ hợp tác thúc đẩy dự luật kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 1.

Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer, một đảng viên Đảng Dân chủ hiện đang thúc đẩy Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ 2021

Phần lớn nhất của kế hoạch dài 1.400 trang mà Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ theo đuổi là việc Quỹ Khoa học Quốc gia NSF được đầu tư 81 tỷ USD để thành lập Cục Công nghệ và đổi mới nhằm phát triển các công nghệ quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo, máy tính hiệu suất cao, người máy và chip.

Phát biểu tại Thượng viện hôm 24/5, ông Chuck Schumer tuyên bố dự luật sẽ đưa nước Mỹ đi trên con đường đổi mới, tăng cường khả năng sản xuất và cạnh tranh với thế giới trong các ngành công nghiệp tương lai. “Về cốt lõi, Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ có mục đích cốt lõi là duy trì vai trò của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu.”

Một số thượng nghị sĩ tin rằng tham vọng của ông Schumer qua dự luật này là quá lớn do hàng loạt yêu cầu từ phía Đảng Cộng hòa nhằm điều chỉnh, sửa đổi các điều khoản hiện có.

Ví dụ, Thượng nghị sĩ Rand Paul ủng hộ điều khoản sửa đổi nhằm cấm bất kỳ quỹ nào của Mỹ tiến hành nghiên cứu ở Trung Quốc trong lĩnh vực virus, một động thái ngầm thừa nhận giả thuyết virus gây ra đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Bất chấp những khó khăn, ông Chuck Schumer vẫn lạc quan rằng Thượng viện có thể thông qua đề xuất dự luật vào cuối tuần này. Hành trình đưa dự luật đến Hạ viện là lời nhắc nhở tiếp theo về mục tiêu thống nhất giữa chính quyền Biden và các nhà lập pháp Mỹ về việc duy trì lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Đầu năm nay, Nhà Trắng đã bắt tay vào việc đánh giá toàn bộ các chuỗi cung ứng chính, bằng cách chỉ đạo phần lớn cơ quan hành pháp đánh giá mức độ phụ thuộc của Mỹ vào nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Theo đó, nhiều công nghệ được coi là quan trọng đối với tương lai của doanh nghiệp Mỹ như xe điện, máy tính siêu tốc độ và vũ khí tối tân - phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu quan trọng là các lô hàng đất hiếm được khai thác ở Trung Quốc. Ví dụ, Apple sử dụng đất hiếm trong sản xuất loa và máy ảnh.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc cung cấp 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu từ năm 2016 đến năm 2019. Nếu căng thẳng địa chính trị leo thang, các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận định Mỹ cần phải tăng cường khả năng sản xuất những công nghệ này trong trường hợp cắt dòng chảy thương mại với Trung Quốc.

Các xưởng đúc chip có quy trình sản xuất tiên tiến nhất, được gọi là chip 5 nanomet, được hiện được vận hành độc quyền bởi Samsung tại Hàn Quốc và bởi TSMC tại Đài Loan. Với khoảng cách địa lý gần gũi, Trung Quốc được cho là dễ gây ảnh hưởng với cả hai nhà máy sản xuất này. Đó là một trong những lý do hàng đầu khiến dự luật mới của Mỹ bao gồm gói chi tiêu 52 tỷ USD để khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy chip mới ở Mỹ.

Clete Willems, cựu quan chức thương mại từng phục vụ nhiều năm dưới thời chính quyền Trump và Obama cho rằng nhà sản xuất chip Intel có khả năng sản xuất chip rộng rãi ở Mỹ nhưng họ có xu hướng sản xuất cho các chuỗi cung ứng đã được thiết lập của riêng mình. “Chúng ta thực sự có năng lực trong việc thiết kế chip bán dẫn; chúng tôi thực sự có năng lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ... Nhưng chúng ta hiện không có nhiều xưởng đúc mới ở nước Mỹ để bạn có thể gọi điện đặt hàng và họ có thể cung cấp cho bất kỳ khách hàng nào”. Các nhà máy sản xuất chip hiện đại có thể tiêu tốn hàng chục tỷ USD chi phí để xây dựng và cần được trang bị các máy móc in mạch hiện đại, một số có chiều rộng chỉ vài nguyên tử.


NTTD
Cùng chuyên mục