Ấn Độ đóng vai trò gì trong ván cờ Mỹ - Trung dưới thời Biden?

22/03/2021 16:18 GMT+7
Tờ CNBC mới đây dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định rằng Mỹ đang coi Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chiến lược đối phó với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cuối tuần qua đã có cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm. Trước đó, ông Austin cũng có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh quân sự thân cận nhất của Washington ở châu Á.

Dhruva Jaishankar, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation America nhận định: “Điều quan trọng là Bộ trưởng Quốc phòng đã có chuyến công du đến Ấn Độ trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc”. Ông Austin đã nhắc đến Ấn Độ như “đối tác ngày càng quan trọng”, là “thành trì của một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Ấn Độ đóng vai trò gì trong ván cờ Mỹ - Trung dưới thời Biden? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong cuộc gặp gỡ cuối tuần trước ở New Delhi, Ấn Độ.

Các động thái siết chặt quan hệ đồng minh Mỹ - Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh cách tiếp cận đa phương trong vấn đề Trung Quốc, và căng thẳng Trung - Ấn tiếp tục không có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ đụng độ biên giới hồi năm ngoái. “Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ” - ông Biden từng tuyên bố sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ thay thế người tiềm nhiệm Donald Trump.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là mối quan ngại chung của Mỹ - Ấn

Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương trong suốt 3 thập kỷ qua, đặc biệt kể từ năm 2008. Một báo cáo của viện Brookings hồi tháng 6/2020 cho biết các chiến lược gia từ cả Mỹ và Ấn Độ đều đang quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc cũng như việc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để tranh thủ lợi thế quân sự.

Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng sừng châu Phi vào năm 2017. Djibouti cũng là một trong những quốc gia châu Phi nơi Trung Quốc rót vốn triển khai các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư phát triển, quản lý hoặc mua lại các cảng có vị trí chiến lược ở các quốc gia xung quanh Ấn Độ bao gồm Pakistan, Sri Lanka và Myanmar.

Arun Singh, cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ nhận định với tờ CNBC: “Ngày càng có nhiều sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Ấn Độ phải hành động để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Vì vậy, cách mà Ấn Độ đưa ra là: đầu tiên, xây dựng năng lực hải quân và sau đó, xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia khác”.

Còn ông Dhruva Jaishankar thì chỉ ra rằng xung đột Trung Ấn chắc chắn sẽ dẫn đến điểm “hội tụ tự nhiên” giữa New Delhi và Washington.

Cũng theo ông Dhruva Jaishankar, mối quan hệ Mỹ - Ấn đã phát triển với “những bước nhảy vọt đáng kể” trong những năm qua, một phần được thúc đẩy bởi những quan ngại chung về Trung Quốc.

Trên mặt trận thương mại, Ấn Độ chia sẻ với Mỹ nhiều quan ngại chung về các hành vi thương mại không lành mạnh hay mối đe dọa an ninh công nghệ của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia “mạnh tay” với Huawei hay cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc.

Dưới thời chính quyền Trump hồi năm ngoái, Mỹ đã ký một thỏa thuận cho phép Ấn Độ truy cập vào kho dữ liệu vệ tinh quan trọng của Mỹ. Đây là thỏa thuận quốc phòng cuối cùng trong số 4 thỏa thuận quốc phòng cơ bản mà Mỹ thường ký với các đồng minh thân cận cho phép trao đổi thông tin nhạy cảm và tuyệt mật.


NTTD
Cùng chuyên mục