Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng vọt trong tháng 3

05/05/2021 09:08 GMT+7
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3 qua khi gói trợ cấp Covid-19 của chính quyền ông Biden thúc đẩy nhu cầu của người Mỹ với hàng hóa nhập khẩu.

Trong một tuyên bố hôm 4/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết gói kích thích mới của chính quyền Biden bao gồm khoản thanh toán trực tiếp bổ sung 1.400 USD cho mỗi người dân đã giúp cải thiện đáng kể nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ. 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 3, Mỹ ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tăng 6,3% lên 274,5 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ cũng tăng lên 200 tỷ USD, tương đương mức tăng 6,6%. 

Như vậy, khi nhập khẩu tăng nhanh hơn về khối lượng, thâm hụt thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới cũng tăng lên đáng kể 74,5 tỷ USD.

Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 1992 đến nay, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 70,5 tỷ USD ghi nhận vào tháng 2.

Trong đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng vọt 22% lên 36,9 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại với Mexico tăng 23,5% lên 8,4 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng vọt trong tháng 3 - Ảnh 1.

Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng vọt trong tháng 3

Nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng mạnh 4,5 tỷ USD, bao gồm hàng dệt may. Nhập khẩu hàng gia dụng cũng tăng vọt 1,2 tỷ USD. Nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp tăng 3,7 tỷ USD, nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng 3,3 tỷ USD.

Ở phía xuất khẩu, kim ngạch xuất vật tư và vật liệu công nghiệp dẫn đầu với mức tăng 5,2 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa tư liệu tăng 2,9 tỷ USD và hàng tiêu dùng tăng 2 tỷ USD.

Bill Adams, nhà kinh tế cấp cao tại PNC nhận định: “Gói kích thích đã hỗ trợ người tiêu dùng Mỹ tăng cường chi tiêu trong đại dịch. Nhưng các hạn chế kiểm dịch mà chính phủ thực hiện với nhiều ngành dịch vụ tiếp xúc trong nước đã làm chuyển hướng chi tiêu sang các mặt hàng phần lớn được nhập khẩu từ bên ngoài”.

Tính từ đầu năm đến nay, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng gần 10%. Còn tính trong vòng 12 tháng gần nhất, mức thâm hụt thương mại đã leo thang chóng mặt từ 47,2 tỷ USD hồi tháng 3/2020, thời điểm Mỹ bước vào những ngày đầu đại dịch bùng phát. Trong khi đó, tính toàn năm, xuất khẩu đã giảm 3,5% do ảnh hưởng của các đợt sóng dịch bệnh liên tiếp mà Mỹ là ổ dịch lớn nhất toàn cầu.

Ông Bill Adams nhận định thâm hụt thương mại có thể giảm trong những tháng tới khi quá trình phục hồi nền kinh tế kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ hơn của sản xuất và xuất khẩu. “Khi đại dịch được kiểm soát ở Mỹ, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi tiêu ít hơn cho hàng hóa nhập khẩu, qua đó giảm kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, người tiêu dùng nước ngoài sẽ mua nhiều hàng hóa xuất khẩu của Mỹ hơn khi nền kinh tế của họ tốt lên”.

Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP 6,4% trong quý I/2021 bất chấp làn sóng tiếp theo của cuộc khủng hoảng đại dịch.

Các nhà kinh tế trước đây đã không kỳ vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch cho đến ít nhất quý II hoặc quý III năm nay, nếu không muốn nói là muộn hơn. Nhưng thực tế cho thấy thực trạng của nền kinh tế Mỹ khả quan hơn nhiều so với dự báo. Khả năng phục hồi mạnh mẽ kết hợp với các kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có đã đẩy nhanh đáng kể đà tăng của nền kinh tế.

“Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách kích thích mạnh mẽ của liên bang và tiến độ tiêm vắc xin đang được đẩy mạnh, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức tăng mạnh nhất mà chúng tôi từng thấy trong nhiều thập kỷ”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York John Williams cho biết trong một bài phát biểu vào cuối tháng 2.


NTTD
Cùng chuyên mục