100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ Biden: căng thẳng Mỹ - Trung diễn biến ra sao?
Tiếp tục đường lối cứng rắn từ thời Trump, ông Biden vẫn duy trì chính sách kiểm soát xuất khẩu với các công ty công nghệ Trung Quốc nhưng với các tiếp cận mới mẻ hơn: hợp tác cùng các đồng minh Mỹ và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Chính quyền Biden đã giữ lại một số lệnh cấm xuất khẩu từ thời Trump đối với các công ty Trung Quốc như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và nhà sản xuất chip SMIC… cùng hàng loạt thực thể Trung Quốc khác đã bị đưa vào danh sách đen.
Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đưa ra một quy tắc nhằm loại Huawei khỏi nguồn cung cấp chip, một động thái làm tổn thương nặng nề đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của gã khổng lồ công nghệ. Mỹ cáo buộc Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, một tuyên bố mà công ty Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ. Đối với Trump, đảm bảo công nghệ của Mỹ không lọt vào tay các công ty Trung Quốc là chìa khóa quan duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như chip.
Tân Tổng thống Joe Biden giữ nguyên các biện pháp hạn chế dưới thời Trump, nhưng đồng thời công bố thêm các chính sách nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc.
“Trong khi chính quyền Trump có xu hướng tập trung vào các biện pháp phòng thủ (ví dụ: hạn chế xuất khẩu đối với các công ty quân sự Trung Quốc), thông điệp sớm về cách tiếp cận của Biden cho thấy rằng Tân Tổng thống muốn kết hợp phòng thủ với những biện pháp chủ động hơn - ví dụ, đầu tư vào các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc” - nhận định của chuyên gia quan sát Emily de La Bruyere, đồng sáng lập của công ty tư vấn Horizon Advisory.
Trong Kế hoạch việc làm cho người Mỹ vừa công bố, ông Biden kêu gọi Quốc hội đầu tư 180 tỷ USD để thúc đẩy “vai trò thống trị của Mỹ trong các công nghệ quan trọng cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia”. Ngoài ra còn có lời kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển thông qua Đạo luật CHIPS lưỡng đảng.
Đầu tháng này, một số nhà lập pháp lưỡng đảng đã giới thiệu lại Đạo luật Biên giới bất tận vào quy trình lập pháp. Đạo luật đề xuất đổi tên Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTF). Đây là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Một ban giám đốc công nghệ sẽ được thành lập dưới danh nghĩa NSTF mới và sẽ được cấp 100 tỷ USD trong vòng 5 năm để “phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ quan trọng nhằm xác định khả năng cạnh tranh toàn cầu”. Ban giám đốc sẽ tài trợ cho nghiên cứu trong 10 lĩnh vực công nghệ mới bao gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, robot, khoa học vật liệu, công nghệ truyền thông tiên tiến, v.v.
Ông Biden đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuỗi cung ứng chip cho nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng chip toàn cầu thiếu hụt sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Mục tiêu dài hạn là thúc đẩy khả năng sản xuất chip trên chính nước Mỹ, thu hút các nhà máy sản xuất chip vốn đã chuyển dịch sang châu Á về nước.
Là một phần của nỗ lực mở rộng sản xuất trong nước, công ty chip Intel của Mỹ vào tháng trước đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới trên nước Mỹ. Hai nhà máy này sẽ hoạt động như một xưởng đúc chip.
Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng chip về Mỹ đã được chính quyền cựu Tổng thống Trump kêu gọi từ lâu, nhưng vấp phải nhiều khó khăn như chi phí dịch chuyển và sản xuất dây chuyền đắt đỏ tương đối.