Lương hưu chỉ đủ mua "dầu và muối", cư dân nông thôn Trung Quốc tuyệt vọng

22/08/2020 18:10 GMT+7
Ông Chen Yunfeng, trưởng thôn Yancang ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc mới đây đã trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) bày tỏ sự thất vọng về mức lương hưu ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Lương hưu chỉ đủ mua "dầu và muối", người dân nông thôn Trung Quốc chật vật sống qua ngày - Ảnh 1.

Lương hưu rất thấp, nhiều người già ở các vùng nông thôn Trung Quốc phải tiếp tục canh tác để duy trì cuộc sống

Theo ông Chen, vị trưởng thôn Yancang ngoài 50 tuổi, mức lương hưu trung bình mà người dân trong thôn nhận được là 112 NDT (khoảng 16 USD). Số tiền này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với mức thu nhập bình quân hàng ngày ở các thành phố lớn tại Trung Quốc, thậm chí còn không đủ để duy trì cuộc sống thanh đạm nhất cho một người dân ở vùng nông thôn. Nó cũng thấp hơn rất nhiều so với mức lương hưu bình quân trên toàn quốc là 2.000 NDT (290 USD) mỗi tháng cho những người nghỉ hưu ở đô thị. 

“Chúng tôi trồng ngũ cốc để bán, nhưng ngũ cốc rất rẻ. Chúng tôi đang ngày càng già yếu, nhưng mức phúc lợi (lương hưu) thì rất thấp”. Độ tuổi nghỉ hưu được quy định là 60.

Vấn đề lương hưu rất thấp cho những người dân nông thôn Trung Quốc không phải điều xa lạ. Trước năm 2009, tại Trung Quốc, chỉ có những cư dân thành thị mới được nhận lương hưu. Mãi đến năm 2009, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào mới bắt đầu xây dựng hệ thống lương hưu quốc gia cho người dân ở khu vực nông thôn.

Từ đó, hệ thống hưu trí nông thôn đã được hợp nhất thành một chương trình triển khai trên toàn quốc, bao gồm lương hưu cho cư dân sống ở nông thôn và cư dân sống ở thành thị nhưng thất nghiệp hoặc làm công việc tự do. Mức lương hưu khác nhau cho từng khu vực nhưng nhìn chung là thấp hơn rất nhiều so với lương hưu của người dân thành thị, Ví dụ, ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, lương hưu bình quân cho những người tham gia hệ thống hưu trí nông thôn chỉ là 243 NDT/ tháng, chưa bằng 1/10 so với mức lương hưu 2.928 NDT cho những người lao động ở thành thị.

Điều này nghĩa là ở hầu hết các vùng nông thôn Trung Quốc, người cao tuổi phải tiếp tục sống bằng sức lao động của chính họ, bằng tiền tiết kiệm hoặc sống dựa vào con cái dù có nhận được lương hưu hay không. Trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt, đây rõ ràng đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Một vụ việc kinh hoàng làm xôn xao dư luận về vấn nạn lương hưu bất bình đẳng đã diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, khi một người đàn ông ở Thiểm Tây có ý định chôn sống người mẹ ốm liệt giường khi bà trở nên già yếu và trở thành gánh nặng trong gia đình nông thôn nghèo khó. Bà cụ 79 tuổi sau đó được cứu, người đàn ông bị bắt và truy tố. Nhưng vụ án đã gây ra một cuộc tranh cãi khắp đất nước về việc ai sẽ chăm sóc cho những người già ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Làn sóng di cư ồ ạt của người trẻ nông thôn lên các thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn đồng nghĩa với việc thế hệ già thường không có con cháu ở bên chăm sóc. Thêm vào đó, chế độ kế hoạch hóa gia đình, kêu gọi sinh ít con tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ quá khứ đã khiến người dân nước này ngày càng già hóa. Một báo cáo gần đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo đến năm 2025, cứ 4 người ở nông thôn thì có 1 người già trên 60 tuổi. 

Đời sống khó khăn ở các vùng nông thôn cũng trở thành lực cản cho chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh khi chính quyền ông Tập Cận Bình nỗ lực biến thị trường tiêu thụ 1,4 tỷ dân trong nước thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ. 

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông (Bắc Kinh) cho hay cuộc sống thiếu thốn của nông dân Trung Quốc đang tạo nên hạn chế nghiêm trọng cho nỗ lực biến đất nước thành thị trường tiêu dùng thống nhất của Bắc Kinh. Nguyên nhân lớn nhất là bởi 40% hộ gia đình nước này buộc phải tiết kiệm để lo cho tuổi già.  “Khoản lương hưu 100 NDT hàng tháng chắc chắn không đủ để sinh hoạt, nghĩa là người nông dân phải tiếp tục canh tác để tồn tại, duy trì cuộc sống ngay cả khi họ đã thực sự già cả”. 

Một người dân ở tỉnh Hồ Nam cho hay: “Nhà nước chỉ phát cho nông dân khoản lương hưu khoảng 1.000 NDT mỗi năm, số tiền này chỉ đủ mua dầu và muối. Nông dân cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, nhưng cách họ được nhà nước đối xử khác rất nhiều so với tầng lớp quan chức và công nhân thành thị nghỉ hưu”.

Bắc Kinh được cho là đang xem xét cải cách lương hưu khu vực nông thôn, nhưng điều này sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể. Trong khi đó, ngân sách tài khóa tại nhiều địa phương Trung Quốc đang chịu áp lực đáng kể do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng”.


 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục