Nước đập Tam Hiệp vượt mức an toàn gần 20m, đe dọa trực tiếp 400 triệu dân Trung Quốc
Ước tính dòng lũ chảy về đập Tam Hiệp đã giảm 5% trong ngày 21/8. Nhưng khi chính quyền địa phương cắt giảm bớt lưu lượng nước tại các cửa xả lũ để giảm thiểu áp lực cho khu vực hạ lưu, mực nước tại đập Tam Hiệp vẫn đang tiếp tục dâng cao. Đáng quan ngại hơn, một đợt mưa lớn khác dự kiến sẽ đổ xuống lưu vực sông Dương Tử vào Chủ Nhật 23/8 tới, có nguy cơ gây sức ép nặng nề hơn cho hồ chứa đập Tam Hiệp. Hiện các nhà chức trách Trung Quốc đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Vào mùa động, khi lượng mưa nhỏ, đập Tam Hiệp được phép giữ nước với mực nước tối đa 175m để phục vụ cho chức năng phát điện. Nhưng vào mùa hè, do lượng mưa lớn và nguy cơ lũ lụt thường trực, mực nước giới hạn an toàn được đặt ra cho hồ chứa đập Tam Hiệp chỉ là 145m. Trong khi đó, mực nước hiện tại đã lên đến mức kỷ lục 166m, vượt xa mức an toàn.
Áp lực ngày càng tăng tại hồ chứa đập Tam Hiệp tiếp tục khiến các nhà quan sát quan ngại về nguy cơ xảy ra sự cố tạo nên hậu quả thảm khốc với hàng trăm triệu người dân, tờ Nikkei Asian Review cho hay.
Hồi tháng trước, khi mực nước lũ dâng cao kỷ lục, ban điều hành đập Tam Hiệp đã khẳng định trên tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan phát ngôn của ĐCS Trung Quốc rằng con đập không có nguy cơ sụp đổ. Nhưng nếu sự cố này xảy ra, nó sẽ tạo nên trận đại hồng thủy chưa từng có nhấn chìm Thượng Hải và nhiều thành phố hạ lưu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống 400 triệu cư dân.
Mối quan ngại về đập Tam Hiệp đang tăng lên khi những cơn mưa xối xả đổ xuống thượng lưu sông Dương Tử, biến thành những đợt lũ lụt càn quét suốt từ giữa tháng 6 đến nay. Tình trạng lũ lụt ở miền trung và tây nam Trung Quốc đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng: hàng trăm người chết hoặc mất tích cùng hàng triệu người phải di dời. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 25 tỷ USD/
Đập Tam Hiệp được xây dựng với chiều cao 185m, rộng 2,3km với hồ chứa 39,3 tỷ m3 nước. Được coi là đập thủy điện lớn bậc nhất thế giới, đập Tam Hiệp có thể tạo ra lượng điện tương đương 20 lò phản ứng hạt nhân tiêu chuẩn, đồng thời có chức năng kiểm soát lũ cho các tỉnh hạ nguồn sông Dương Tử vào mùa mưa lũ hàng năm.
Dự án xây dựng đập Tam Hiệp lần đầu được đề xuất vào năm 1919 bởi Tôn Trung Sơn, nhưng sau đó ý tưởng này nhanh chóng bị lãng quên trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Mãi đến năm 1978, ý tưởng về đập Tam Hiệp mới một lần nữa được đưa ra bàn luận sau nhiều thập kỷ ngủ yên. Năm 1980, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Tam Hiệp, dẫn đầu cuộc khảo sát và tham vấn của hàng loạt nhóm chuyên gia nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Brazil đến Canada.
Năm 1992, đại hội đại biểu nhân dân Trung Hoa cuối cùng đã thông qua việc khởi công xây dựng đập. Nhưng tại thời điểm đó, có tới 177 đại biểu bỏ phiếu chống và 664 đại biểu bỏ phiếu trắng trên 1.767 phiếu ủng hộ. Tỷ lệ bất đồng số phiếu quá lớn được cho là do những quan ngại về tác động của dự án đập Tam Hiệp đến môi trường thiên nhiên cũng như ngân sách khổng lồ và sự nghi ngờ về tính khả thi, tính hiệu quả của con đập.
Đập Tam Hiệp bắt đầu phát điện vào năm 2003 và chính thức hoàn thành năm 2006 bất chấp những tranh cãi lớn. Đã có khoảng 1,3 triệu người dân bị cưỡng chế di dời để thực hiện dự án này.