Lý do giá gạo xuất khẩu Việt Nam đột ngột giảm mạnh

10/09/2023 07:12 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh tới 15 USD/tấn chỉ trong 2 ngày liên tiếp. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân xuất phát từ việc Phillipines áp giá trần gạo trong nước khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này hoãn hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy từ ngày 6-7/9, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm 15 USD/tấn so với phiên 5/9 về 628 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD/tấn. Đây là 2 phiên giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 15 USD về 618 USD/tấn, loại 25% tấm giảm 12 USD về 563 USD/tấn so với hôm 5/9.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu đi xuống do ảnh hưởng bởi lệnh áp giá trần của Philippines - nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, ngày 31/8, nước này thiết lập mức trần giá gạo ở mức 41 peso, khoảng 0,72 USD/kg đối với gạo xay xát thường và 45 peso, khoảng 0,79 USD/ kg với gạo xay xát tốt, tương đương 720-800 USD một tấn.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng, việc Philippines áp trần giá bán lẻ gạo trong nước nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ khi giá bán lẻ tăng ở mức báo động.

Lý do giá gạo xuất khẩu Việt Nam đột ngột giảm mạnh - Ảnh 1.

Việc giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá gạo xuất khẩu khiến các doanh nghiệp lo ngại

Theo ông Bình, Philippines hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, việc áp giá trần thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, đồng nghĩa các quốc gia khó có thể xuất bán vào thị trường này do chênh lệch giá.

Ở chiều tích cực, giá gạo xuất khẩu giảm sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Song ông Bình cho rằng, điều đáng lo ngại là hiện giá lúa gạo tại thị trường nội địa vẫn quá cao khiến doanh nghiệp không dám mua vì nguy cơ thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho hay, sau khi Philippines áp giá trần gạo, nhiều nhà nhập khẩu ở quốc gia này đã xin hủy hợp đồng mua gạo. Bởi có thể doanh nghiệp nhập khẩu cũng sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ khi không được bán cao hơn với giá trần bị áp.

Theo ông Đôn, mức giá mua gạo tại kho của Việt Nam khoảng 640-670 USD/tấn, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, giá lên tới 900 USD/tấn. Trong khi đó, Philippines áp giá trần khoảng 738-810 USD/tấn.

"Các đối tác Philippines thông báo mức giá này họ không thể mua được, vì cao hơn nhiều so với giá gạo bán trong nước", ông Đôn chia sẻ và dự báo thời gian tới xuất khẩu gạo sang Philippines có thể sẽ chậm lại, nhưng nhu cầu mua gạo của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi vẫn cao.

Tại thị trường trong nước, giá gạo nội địa đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Dữ liệu từ VFA cho thấy, giá gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79-254 đồng/kg, tùy loại.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VFA nhận định giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Trước tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, VFA kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107.

Cùng đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.

Theo Xuân Phong/Tiền Phong
Cùng chuyên mục