Malaysia đối diện khủng hoảng nguồn thu ngân sách
Chính phủ Malaysia đang kỳ vọng nguồn thu ngân sách sẽ tăng 4,2% trong năm 2021 mà không cần tăng mức thuế hay áp đặt các loại thuế mới. Các nhà hoạch định chính sách nước này cho rằng doanh thu từ thuế sẽ tăng khi hoạt động kinh tế khôi phục về mức bình thường sau cuộc khủng hoảng đại dịch.
Nhưng Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp (Singapore) cảnh báo rằng nếu nền kinh tế Malaysia không phục hồi mạnh mẽ như mức 6,5-7,5% mà chính phủ kỳ vọng, rất có thể tình trạng thiếu thu ngân sách vẫn sẽ xảy ra.
Đây rõ ràng là một canh bạc lớn. Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Abdul Aziz hồi tháng trước dự báo Malaysia sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế -5,5% trong năm nay trong bối cảnh đại dịch làm trì trệ nhiều hoạt động kinh tế.
Các biện pháp hạn chế kiểm dịch mới từ làn sóng Covid-19 thứ hai hồi tháng 9 qua dự kiến sẽ lấy đi của nền kinh tế khoảng 74 triệu USD mỗi ngày. Khi hệ quả kinh tế trở nên quá lớn, chính phủ Malaysia quyết định nới lỏng các hạn chế kiểm dịch từ đầu tháng 12 bất chấp đại dịch tiếp tục lây lan mạnh mẽ. Hôm 10/12, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 kỷ lục 2.234 ca trong ngày. Một số nhà sản xuất găng tay bảo hộ hàng đầu quốc gia như Top Glove đã phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất do dịch bệnh lây lan trong nhà máy.
Các nhà phân tích Maybank nhận định Malaysia có nhiều thách thức trên con đường phục hồi kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng GDP nước này trong năm 2021 chỉ đạt 5,1%.
Thu ngân sách từ dầu giảm mạnh
Vấn đề nguồn thu ngân sách trở nên trầm trọng hơn khi doanh thu từ dầu giảm. Kể từ khi Malaysia bãi bỏ Thuế Hàng hóa và Dịch vụ không phổ biến vào năm 2018, đất nước này đã phụ thuộc ngày càng nhiều vào doanh thu từ dầu khí. Phần lớn trong đó đến từ tập đoàn năng lượng quốc doanh Petroliam Nasional Bhd. Nhưng năm nay, khi giá dầu thô giảm sâu khiến Petroliam Nasional Bhd lao đao, doanh thu chính phủ từ dầu mỏ đã giảm tới 14%.
Nhà kinh tế Firdaos Rosli của Malaysia Rating Corp. nhận định xu hướng giảm thu từ dầu mỏ sẽ còn kéo dài khi các nền kinh tế lớn chuyển hướng sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. “Chính phủ cần khẩn trương đa dạng hóa các nguồn thu ngân sách trong bối cảnh dự chi ngân sách tăng mạnh để tài trợ cho các gói kích thích phục hồi kinh tế… Nỗ lực tăng ngân sách sẽ không thành công nếu chính phủ không đánh thuế tiêu dùng”.
Ngân sách yếu đe dọa sự linh hoạt của chính phủ
Bộ trưởng Tài chính Zafrul cho biết Malaysia đang nghiên cứu nhiều mô hình thuế tiêu dùng khác nhau để đánh giá tác động của chúng đối với nền kinh tế và chi phí sinh hoạt của người dân. Nhưng chính phủ sẽ không đưa ra quyết định áp thuế nào cho đến khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Andrew Wood, một nhà phân tích tại S&P Global Ratings cho biết ngay cả khi GDP thực tế của Malaysia phục hồi mạnh hơn, bất kỳ mức tăng trưởng nguồn thu ngân sách chính phủ nào trong năm tới cũng chỉ ở mức “vừa phải”. “Doanh thu ngân sách nhỏ hơn nhiều so với quy mô nền kinh tế có thể gây áp lực đáng kể lên chính sách tài khóa của Malaysia, hạn chế chi tiêu chính phủ hoặc dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn hơn”.
Các nhà phân tích từ Moody’s, trong một báo cáo triển vọng được công bố ngày 1/12 cũng cảnh báo rằng nguồn thu ngân sách hạn hẹp sẽ hạn chế sự linh hoạt của chính phủ trong việc ứng phó với các cú sốc như đại dịch Covid-19 hay biến động dòng vốn.