Malaysia tạm đóng cửa nhà máy, nguy cơ "cháy" bao cao su trên toàn cầu

28/03/2020 16:05 GMT+7
Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu hụt bao cao su sau khi Malaysia - nhà sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới buộc phải ngừng sản xuất vì dịch Covid-19.
Malaysia tạm đóng cửa nhà máy, nguy cơ "cháy" bao cao su trên toàn cầu - Ảnh 1.

Nguồn cung bao cao su có thể thiếu hụt do dịch Covid-19 làm trì trệ hoạt động sản xuất của các nhà máy

Karex Bhd Malaysia là nhà máy sản xuất và cung cấp 20% lượng bao cao su cung ứng trên thị trường thế giới. Nhưng suốt một tuần nay, cả 3 nhà máy của Karex Bhd đã ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan, bùng phát đại dịch Covid-19.

Hơn một tuần ngừng sản xuất có thể gây ra sự thiếu hụt hơn 100 triệu bao cao su trên toàn cầu, trong đó có cả những nhãn hiệu nổi tiếng như Durex - nhà cung ứng bao cao su cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nhà nước Anh và phục vụ các chương trình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. 

Karex Bhd được chính phủ Malaysia cho phép hoạt động trở lại vào hôm 27/3 do lệnh miễn trừ đặc biệt với các ngành công nghiệp chủ lực. Nhưng chỉ 50% lực lượng lao động được trở lại nhà máy để đảm bảo khoảng cách an toàn cần thiết cũng như các điều kiện kiểm dịch mà Chính phủ yêu cầu.

Giám đốc điều hành Karex Bhd, ông Goh Miah Kiat cho biết sẽ mất nhiều thời gian để tái khởi động chuỗi dây chuyền sản xuất ở các nhà máy giữa áp lực dịch bệnh. “Chúng tôi sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu chỉ với một nửa lao động, một nửa công suất sản xuất”.

“Chúng tôi đã dự đoán trước sự thiếu hụt nguồn cung bao cao su trên toàn cầu, một viễn cảnh đáng sợ. Điều tôi lo ngại là nguồn cung bao cao su cho các chương trình nhân đạo ở những vùng xa xôi như Châu Phi có thể bị thiếu hụt nhiều tháng trời, chứ không phải 2 tuần hay 1 tháng”. 

Malaysia hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, với 2.161 ca nhiễm virus corona và 26 ca tử vong tính đến sáng 28/3. Chính phủ Malaysia trước đó đã tiến hành các biện pháp phong tỏa quốc gia, đóng cửa doanh nghiệp và trường học trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Lệnh phong tỏa dự kiến sẽ được duy trì đến ít nhất ngày 14/4.

Một số quốc gia sản xuất bao cao su lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang cho thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vì tác động của dịch bệnh. Trong khi Trung Quốc đã khởi động lại hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sau nhiều tuần liền phong tỏa khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng thêm chủ yếu là du khách nhập cảnh, thì Ấn Độ mới chỉ bắt đầu lệnh phong tỏa quốc gia từ 25/3. Còn Thái Lan cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Tuy vậy, người đại diện Durex vẫn khẳng định chuỗi cung ứng vận hành bình thường và công ty chưa gặp phải nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nào. “Đối với người tiêu dùng, những người không thể đi đến các cửa hàng, dịch vụ giao hàng trực tuyến của chúng tôi vẫn hoạt động.

“Điều đáng mừng là nhu cầu bao cao su của thị trường hiện vẫn rất mạnh mẽ vì dù muốn hay không, bao cao su vẫn là sản phẩm cần thiết. Tại thời điểm này, có lẽ nhiều người không muốn sinh con khi dịch bệnh bùng phát và nhiều yếu tố bất ổn khác. Nó không phải là thời điểm đúng đắn” - ông Goh Miah Kiat nói thêm.

Không riêng các cơ sở sản xuất bao cao su, những nhà máy sản xuất các mặt hàng quan trọng khác ở Malaysia bao gồm găng tay y tế cũng phải đối mặt với những lực cản để đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục