Quy mô tuyến nhánh đường sắt Bắc – Nam nối KKT Dung Quất dự kiến thế nào?

Công Xuân
15/05/2025 12:23 GMT +7
Trong đề xuất gửi Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ dự kiến tổng vốn đầu tư, chiều dài…của đoạn tuyến nhánh đường sắt Bắc – Nam nối KKT Dung Quất.

Sáng 15/5, trước thắc mắc về quy mô đầu tư, chiều dài…dự kiến của tuyến nhánh đường sắt Bắc – Nam nối KKT Dung Quất, mà Quảng Ngãi đề xuất Trung ương đầu tư thế nào, PV Dân Việt tìm hiểu sự việc.

Chiều dài tuyến nhánh nối KKT Dung Quất (Trì Bình - cảng Dung Quất) với đường sắt Bắc – Nam dự kiến khoảng 14,3km.Ảnh minh hoạ CX

Theo thông tin được cung cấp, tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội –TP.Hồ Chí Minh hiện hữu khổ 1.000mm, do đó tuyến nhánh KKT Dung Quất (từ Ga Trì Bình - cảng Dung Quất) cũng được đề xuất đường sắt khổ 1.000mm.

Chiều dài tuyến nhánh nối KKT Dung Quất (Trì Bình - cảng Dung Quất) với đường sắt Bắc – Nam dự kiến khoảng 14,3km và bố trí 1 ga (Ga Cảng Dung Quất).

Đối với chính tuyến có bề rộng nền đường B>5,00m; khoảng cách từ tim đến vai đường ≥2,50m.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí chỉ định thầu

Đường ga có khoảng cách từ tim đường ga ngoài cùng đến mép nền ga >2,50 m và đối với đường điều dẫn trên đường thăng là 3,50 m (chưa kể rãnh dọc nếu nền đảo); bố trí cầu cạn, cầu vượt sông.

Dự án có điểm đầu kết nối (với đường sắt Bắc – Nam) tại Ga Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn và điểm cuối là Ga Cảng Dung Quất, nằm trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Tuyến nhánh đường sắt Bắc – Nam nối KKT Dung Quất dự kiến đi qua địa phận 4 xã của huyện Bình Sơn, gồm Bình Nguyên, Bình Thạnh, Bình Đông và xã Bình Thuận.

Tổng mức đầu tư của dự án tuyến nhánh đường sắt nối KKT Dung Quất khoảng 900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; thời gian thực hiện từ năm 2026 – 2028.

KKT Dung Quất nhìn từ trên cao.Ảnh Đoàn Vương Quốc.

Được biết trong đề xuất gửi cấp thẩm quyền Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ Khu kinh tế (KKT) Dung Quất là trọng điểm thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung.

KKT Dung Quất có lợi thế cảng biển nước sâu, lượng hàng hóa thông qua hiện tại và trong tương lai rất lớn.

Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất được kết hợp giữa cảng tổng hợp và các bến cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập sản phẩm công nghiệp luyện kim, hóa dầu, cấu kiện cơ khí, neo đậu đóng mới và sửa chữa tàu thuyền... đáp ứng tàu trọng tải đến 200.000 tấn…

Siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ thực chất từ Chính phủ

Theo dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 47,8 ÷ 48,2 triệu tấn; lượng hàng hóa thông qua cảng Dung Quất I đạt khoảng 38,8 triệu tấn.

Trong số này, dự báo khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt đạt khoảng 2,72 triệu tấn (chiếm khoảng 7%), nên cơ bản đáp ứng thị phần vận tải đường sắt trên mỗi hành lang từ 3% đến 11%.

Bên cạnh đó nhu cầu đi lại thuận tiện của người lao động tại các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến làm việc tại KKT Dung Quất trong thời gian đến sẽ tăng rất cao.

KKT Dung Quất có lợi thế cảng biển nước sâu, lượng hàng hóa thông qua hiện tại và trong tương lai rất lớn. Hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất được kết hợp giữa cảng tổng hợp và các bến cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập sản phẩm công nghiệp luyện kim, hóa dầu, cấu kiện cơ khí, neo đậu đóng mới và sửa chữa tàu thuyền... đáp ứng tàu trọng tải đến 200.000 tấn…Ảnh: ĐX

Với những điều kiện, cơ sở nêu trên và mặc dù vị trí KKT Dung Quất, rất gần tuyến đường sắt quốc gia nhưng chưa được đầu tư kết nối, làm tăng chi phí logistics, hạn chế tính cạnh tranh và thu hút đầu tư của KKT Dung Quất.

Vì vậy tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Trung ương xem xét, quyết định đầu tư dự án Tuyến nhánh đường sắt quốc gia (tuyến Trì Bình - cảng Dung Quất) trong giai đoạn 2026-2030….