Maybank dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 giảm còn 6,1%

01/12/2022 10:33 GMT+7
Các nhà nghiên cứu của Maybank ước tính tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức 9,5% và hạ nhiệt xuống mức 6,1% cho năm 2023 do nhu cầu toàn cầu bị suy yếu.

Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề "Exports Contract, But Reopening Boost Intact". Trong báo cáo lần này, các nhà nghiên cứu giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức +8% vào năm 2022 và +6% vào năm 2023. Tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Việt Nam ước tính vào khoảng +5,5%, thấp hơn đáng kể so với mức +13,7% trong quý III do nhu cầu bên ngoài giảm mạnh và các yếu tố thuận lợi cho lạm phát thấp không còn (triển vọng tích cực các hiệu ứng cơ sở tiêu biến).

Sản xuất công nghiệp tháng 11 hạ nhiệt do đơn hàng xuất khẩu yếu dần

Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 ghi nhận tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tháng 10 chỉ số này tăng 5,5%, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 6,3%. Tính theo tháng, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 chỉ tăng 0,3%, bằng 1/10 so với mức 3% được ghi nhận trong tháng 10 và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2022.

Khai khoáng và khai thác đá tăng 16% so với cùng kỳ, dẫn đầu tăng trưởng. Chế biến và chế tạo tăng 4,4%, điện & khí đốt tăng 4,6%, giảm so với 9,3% trong tháng 10, sản lượng của nhà máy giảm do đơn đặt hàng xuất khẩu ít hơn. 

Sản xuất công nghiệp hạ nhiệt do các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp tháng 11 hạ nhiệt

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng đến hơn 630.000 công nhân từ tháng 9 đến tháng 11, khiến 570.000 công nhân phải giảm giờ làm, 34.000 công nhân bị sa thải, và 31.000 công nhân phải nghỉ không lương/tạm hoãn hợp đồng. 

Hàng may mặc chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trên 20% từ tháng 2 đến tháng 9. Sản lượng giày dép tăng trưởng 8,7%, nhanh hơn 4,2% trong tháng 10 nhưng vẫn thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Sản lượng máy tính, điện tử & sản phẩm quang học tăng 5,6%, linh kiện điện tử tăng 12,5 % và thiết bị liên lạc tăng 6,2%. 

Đồ điện tử tiêu dùng ghi nhận giảm 19,2% so với cùng kỳ, mức giảm giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2021 do nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, mặc dù mức giảm này còn trầm trọng hơn do các tác động cơ bản. 

Trong 11 tháng năm 2022, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tái chế phế liệu tăng 11,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,3%.

Xuất khẩu hàng hóa danh nghĩa giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2020

Xuất khẩu hàng hóa danh nghĩa giảm 8,4%, đây là mức giảm giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2020. Trên cơ sở hàng tháng, xuất khẩu giảm 3,9%. Trong tháng 12, xuất khẩu có thể giảm ở mức hai con số do nhu cầu đặt hàng giảm. Máy vi tính, điện tử và linh kiện ghi nhận giảm 13,9%, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021, đây là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu hàng hóa giảm. Điện thoại và linh kiện giảm 0,7%, đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp của ngành hàng này. Dệt may giảm 6,4%, lần đầu tiên giảm kể từ tháng 9/2021. Các sản phẩm đáng chú ý khác chuyển từ tăng trưởng sang thu hẹp bao gồm thủy sản giảm 17,5% so với mức tăng trưởng 1,8% trong tháng 10; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,6% so với mức tăng 25,8% trong tháng 10, chủ yếu do lạm phát kìm hãm chi tiêu ở Mỹ và EU. 

Sản xuất công nghiệp hạ nhiệt do các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm - Ảnh 2.

Xuất khẩu theo nhóm hàng chủ yếu, nhập khẩu và cán cân thương mại. Nguồn: CEIC

Các ước tính sơ bộ cho thấy sự suy yếu trên diện rộng tại các thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 12,4% trong khi tháng 10 tăng trưởng 4%, xuất khẩu sang EU giảm 2,8% trong khi tháng 10 ghi nhận tăng trưởng 23,3%, ASEAN giảm 9,5% và Hàn Quốc giảm 2,3%. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tốc xuống chỉ còn +1,3% (so với +5,2% trong tháng 10). 

Thặng dư thương mại hàng hóa đã thu hẹp xuống chỉ còn 780 triệu đô la trong tháng 11 (giảm sâu so với 2,6 tỷ đô la vào tháng 10), nâng thặng dư đầu năm lên 10,6 tỷ đô la (2,9% GDP năm 2021).

Các nhà nghiên cứu của Maybank ước tính tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức 9,5% và hạ nhiệt xuống mức 6,1% cho năm 2023 do nhu cầu toàn cầu bị suy yếu. Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự báo sẽ đạt 9,5% và hạ nhiệt xuống mức 6,4% cho năm 2023.

Nam Hải (Theo Maybank)
Cùng chuyên mục