Doanh nghiệp "kêu" thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp quá dài
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2020, ông Nguyễn Thế Chinh – Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera - CTCP kiến nghị cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp, hiện nay là khoảng 2 năm thì sẽ mất rất nhiều cơ hội.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đều cần sự hỗ trợ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là điểm quyết định mấu chốt quyết định tiến độ của xây dựng hạ tầng.
Cũng theo ông Chinh, thực tế, vấn đề nhà ở cho công nhân rất quan trọng để họ an cư, đảm bảo an sinh xã hội họ sẽ yên tâm làm việc mà để các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng kết hợp nhà ở cho công nhân thì giá thành sẽ rẻ hơn rất là nhiều. Hiện Viglacera có 12 khu công nghiệp thì có 9 khu có nhà ở cho công nhân
Do đó, theo ông Chinh với những chủ đầu tư khu công nghiệp nên được chỉ định giao làm cho khu nhà ở cho công nhân mà không phải đấu thầu. "Hiện nay đã có nghị định 100 về quản lý và xây dựng nhà ở xã hội, trong khi đó nhà ở cho công nhân thì vẫn có 3 đối tượng là chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản", ông Chinh nói.
Cũng tại Diễn đàn này, ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Công ty BSM chia sẻ, Việt Nam tồn tại một vấn đề, đó là lực lượng lao động địa phương (nguồn lao động, chất lượng lao động lành nghề) còn thiếu. Ngoài sự tương tác, liên kết giữa các chủ đầu tư công nghiệp cần các trường nghề, các chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để nâng cao tay nghề chính thống.
Trong quá trình đầu tư, thu hút đầu tư, mong muốn các cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ, vào cuộc giải phóng mặt bằng. Cần hỗ trợ trong tương tác giữa các trường - địa phương – doanh nghiệp để đào tạo lực lượng quản lý cấp trung, nhân lực lành nghề.
Chia sẻ về "cơ hội vàng" trong đầu tư bất động sản công nghiệp, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, hiện nay, chất lượng quản lý khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các khu công nghiệp vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục.
"Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta quản ý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các khu công nghiệp càng "teo" lại. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông Võ nhấn mạnh.
Ngoài ta, theo vị GS này, chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường bất động sản công nghiệp. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón "đại bàng" chưa. Tôi cho rằng là chưa.