Maybank KimEng: Kinh tế Việt Nam bước vào quý IV triển vọng sáng
Trong báo cáo kinh tế về Việt Nam vừa được phát hành, các nhà phân tích của Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu đánh giá ngành công nghiệp chế tạo bao gồm lĩnh vực điện tử và phi điện tử tăng trưởng cao trong tháng 10 cho thấy khởi đầu đầu tốt đẹp của quý cuối cùng năm 2020.
Nhiều tín hiệu khẳng định sự phục hồi vững chắc
Theo MBKE, mức sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu khả quan trong tháng 10 phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau các đợt hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhìn chung, xuất khẩu đã phục hồi ổn định sau đợt đóng cửa hồi tháng 4 năm nay và hiện đã vươn lên mức trước đại dịch.
Thêm vào đó, sự cải thiện trong sản lượng công nghiệp và mức tăng chỉ số quản lý thu mua PMI gần đây cũng là tín hiệu cho thấy sự phục hồi vững chắc cho năm 2021. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy PMI sản xuất của Việt Nam đạt 52,2 trong tháng 9, mức cao nhất từ tháng 7/2019 đến nay (PMI trên 50 phản ánh sự tăng trưởng).
Nhu cầu cũng dần tăng trưởng bắt kịp sự phục hồi của nguồn cung. Doanh số bán lẻ tháng 10 tăng lên mức 6,1% từ mức 4,9% đạt được hồi tháng 9, tức hiện đã phục hồi về mức trước đại dịch.
Các nhà kinh tế của Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt mức 2,9% trong năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Tuy nhiên MBKE lưu ý rủi ro hạ cấp vẫn còn do nguy cơ từ làn sóng Covid-19 tiếp theo trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh một số quốc gia Châu Âu đang áp đặt những lệnh đóng cửa mới.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 2% (từ 6% xuống 4%), với lần cắt giảm 0,5% mới nhất hôm 1/10 vừa qua. Các nhà kinh tế Maybank KimEng cùng kỳ vọng NHNN sẽ giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 23.000 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Sản lượng ngành công nghiệp chế tạo tăng vọt
Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi sáng trong tháng 10 khi sản lượng công nghiệp tăng trưởng 5,4%, cải thiện từ mức 4,8% hồi tháng 9. Đà tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi sản lượng ngành công nghiệp chế tạo (tăng 8,3% từ mức 5,4% đạt được hồi tháng 9). Trong khi đó, sản lượng hai ngành công nghiệp là khai thác và điện & khí đốt lại chứng kiến mức sụt giảm đáng kể so với hồi tháng 9. Cụ thể, ngành khai thác giảm tốc 14,5%, từ mức -5,7% hồi tháng 9. Ngành điện & khí đốt chỉ chứng kiến mức tăng 1%, tụt mạnh từ mức 8,4% một tháng trước đó.
Ngành công nghiệp chế tạo chứng kiến sản lượng tăng vọt như vậy là nhờ sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử. Trong đó, sản lượng máy tính, thiết bị điện tử và quang học tăng vọt 16,9% từ mức 14,3% đạt được hồi tháng 9. Lĩnh vực điện tử tiêu dùng tăng 49,5% so với mức 28,8% trong tháng 9, đạt tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Sản lượng smartphone cũng tăng 17,3%.
Lĩnh vực sản xuất phi điện tử chứng kiến tốc độ tăng trưởng dần ổn định. Trong đó, ngành dược phẩm cho thấy tăng trưởng sản lượng giảm từ mức 81% hồi tháng 9 xuống 25,4% trong tháng 10, nhưng vẫn đóng góp đáng kể cho sự phục hồi của sản xuất phi điện tử. Sản lượng các ngành khách như than & dầu mỏ tinh chế tăng 22,6%, kim loại cơ bản tăng 15,2% và thực phẩm tăng 10,9%. Những mức tăng này giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm trong các lĩnh vực sản xuất phi điện tử khác như dệt may (giảm 3,5%) và da thuộc (giảm 1,2%).
Thặng dư thương mại thu hẹp
Nhìn chung trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng lành mạnh 9,9% so với mức nhảy vọt 16,6% hồi tháng 9. Hàng loạt lĩnh vực như xuất khẩu máy móc tăng 58,3%, xuất khẩu máy tính và điện tử tăng 13,6%... đã tạo đà cho mức tăng trưởng ổn định của kim ngạch xuất khẩu nói chung. Đáng chú ý, các lô hàng smartphone đã lấy lại đà tăng khiêm tốn 0,6% sau hai tháng giảm tốc.
Riêng một số ngành như dệt may ghi nhận mức giảm -3,2% so với mức tăng 1,7% đạt được hồi tháng 9. Ngành da giày cũng chìm trong sắc đỏ với mức lao dốc mạnh -21.6%, tháng giảm thứ bảy liên tiếp.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 đạt mức tăng 10,1%, tháng tăng thứ ba liên tiếp. Dẫn đầu mức tăng trong nhập khẩu là các mặt hàng dây & cáp cách điện (tăng 40,5%), điện tử và linh kiện máy tính (tăng 40%), linh kiện điện thoại (tăng 31,9%). Sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trung gian, đặc biệt là linh kiện điện tử được đánh giá là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi sản xuất.
Như vậy, tháng 10 ghi nhận mức thặng dư thương mại còn 2,2 tỷ USD, thu hẹp từ mức 3 tỷ USD hồi tháng 9. Cho đến nay, thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm của nước ta hiện ở mức 18,7 tỷ USD.
Xuất khẩu sang hai thị trường chiến lược Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tăng
Các ước tính sơ bộ cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang nhóm các thị trường quan trọng như Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng trong khi các thị trường còn lại chứng kiến sự suy giảm.
Mỹ vẫn là thị trường đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này tăng mạnh 34,5% trong tháng 10. Hồi tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cũng đạt mức tăng 44,2%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm hơn ở mức 4,3% so với mức 19,3% đạt được hồi tháng 9, nhưng vẫn cho thấy tín hiệu sáng.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác đồng loạt suy yếu, như xuất khẩu sang EU giảm 1,4%, ASEAN giảm 4,3%, Nhật Bản giảm 23,8% và Hàn Quốc giảm 8,7%.
Lưu ý những dữ liệu trên đây chỉ là ước tính sơ bộ và có khả năng được sửa đổi trong tháng tiếp theo.
Lạm phát toàn phần giảm
Lạm phát toàn phần tiếp tục giảm xuống mức 2,5% trong tháng 10, từ mức 3% ghi nhận hồi tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát giá lương thực giảm về mức 9,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay do giá thịt lợn giảm. Trong khi đó, ngành giao thông vận tải chứng kiến mức giảm phát mạnh mẽ hơn (-13,5% so với mức -12,6% hồi tháng 9), chủ yếu do giá xăng dầu và vé tàu, xe giảm.
Chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, giải trí và du lịch cũng ghi nhận mức giảm 2,2%, mạnh hơn mức giảm 1,9% hồi tháng 9. Điều này phản ánh nhu cầu với các hoạt động du lịch, giải trí trong nước vẫn còn phục hồi với tốc độ chậm chạp.
Nhìn chung, áp lực lạm phát tiềm ẩn vẫn được duy trì ổn định khi lạm phát lõi xuống mức 1,9% trong tháng 10, giảm 0,1% so với hồi tháng 9. Dự báo chỉ số lạm phát CPI bình quân sẽ đạt mức 3,3% trong năm 2020 trong 3% cho năm 2021. Riêng quý IV/2020, chỉ số lạm phát CPI toàn phần có khả năng giảm xuống dưới mức 2% khi nhu cầu trong nước suy yếu.