MayBank KimEng: Tăng trưởng GDP của Việt Nam Quý II cao hơn dự báo, cả năm dự ở mức 6,5%

01/07/2021 20:35 GMT+7
Các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu nhận định nền kinh tế Việt Nam tiếp đà phục hồi trong quý II bất chấp rủi ro từ làn sóng dịch Covid-19 hiện tại.

Tăng trưởng GDP quý II cao hơn dự báo

Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% trong quý II/2021, nhanh hơn mức tăng 4,7% trong quý I bất chấp làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát thời gian qua. Con số này cao hơn dự báo 6% trước đó của các nhà phân tích MayBank KimEng, nhưng thấp hơn mức kỳ vọng 7,2% của thị trường.

Mức tăng trưởng 6,6% trong quý II/2021 một phần là do mức tăng GDP gần như đi ngang trong cùng kỳ năm 2020 (0,4%) - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất ở Việt Nam buộc chính phủ thực hiện một số biện pháp phong tỏa, khiến nền kinh tế bị đình trệ.

MayBank KimEng: làn sóng dịch Covid-19 là rủi ro đe dọa đà phục hồi kinh tế nửa cuối năm - Ảnh 1.

Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP 6,6% trong quý II/2021 (Ảnh: MayBank KimEng)

Tăng trưởng phần lớn được thúc đẩy bởi mức tăng 10,3% của ngành công nghiệp và xây dựng. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ quý III/2015 đến nay. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 4,3%, nhanh hơn mức 3,6% đạt được trong quý I. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,1% so với mức 3,5% trong quý liền trước do giá hàng hóa cao hơn và sản lượng lúa gạo, chăn nuôi tăng lên.

Sản lượng sản xuất tăng nhanh nhất kể từ quý I/2018

Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng đột phá 10,3% chủ yếu dựa vào sự gia tăng đột biến trong lĩnh vực chế tạo (13,8%), điện và khí đốt (11,9%). Những lĩnh vực này bù đắp cho tốc độ tăng trưởng xây dựng suy yếu, chỉ đạt 4,8% so với mức tăng 6,5% trong quý I. Ngành khai khoáng cũng giảm tốc 4,7%.

Ngành sản xuất tăng trưởng 13,8% trong quý II, tốc độ nhanh nhất kể từ quý I/2018 đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia MayBank KimEng chỉ ra rằng đã có những dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất điện tử phải đối mặt với một số áp lực giảm giá trong ngắn hạn do sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới đây.

Sản lượng công nghiệp trong tháng 6 đạt mức tăng trưởng 6,8%, giảm mạnh từ mức tăng 11,8% trong tháng 5. Sản lượng sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và quang học đã trở lại vùng tiêu cực (-0,4%) so với mức tăng mạnh 19,2% trong tháng 5. Sự suy yếu dẫn đến một số lo ngại rằng tình hình sản xuất gián đoạn ở một số khu công nghiệp do đại dịch kết hợp với cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và chi phí vận chuyển tăng vọt có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy điện tử. Điểm sáng hiếm hoi là khu vực sản xuất phi điện tử vẫn có khả năng phục hồi trên diện rộng, tạm thời sẽ hỗ trợ đà phục hồi chung của sản lượng công nghiệp.

Khu vực dịch vụ ảm đạm

Khu vực dịch vụ chứng kiến mức tăng 4,3% trong quý II, cải thiện nhẹ so với mức tăng 3,6%. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng mức tăng của quý II/2021 được tính trên nền suy yếu của quý II/2020, thời điểm ngành dịch vụ suy yếu -1,9%.

Doanh số bán buôn và bán lẻ suy giảm trong quý II liên tiếp xuống 4,6% so với mức 6,6% hồi quý I.

Điểm sáng là các dịch vụ liên quan đến phi thương mại như tài chính và bảo hiểm tăng 9,9%, khoa học công nghệ tăng 5,9%, thông tin và giao tiếp tăng 5,3%, góp phần duy trì đà tăng trưởng cho toàn ngành.

Thâm hụt thương mại giảm

Tăng trưởng xuất khẩu đạt 17,3% trong tháng 6, giảm mạnh từ mức tăng kỷ lục 36,6% hồi tháng 5. Nguyên nhân phần nhiều do kim ngạch xuất khẩu smartphone giảm mạnh -9,5% từ mức tăng 22,5% hồi tháng 5. Xuất khẩu máy tính và thiết bị điện tử cũng giảm mạnh xuống 1,8% so với mức 14% đạt được hồi tháng 5 do các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây tại một số nhà máy, khu công nghiệp.

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác như máy móc thiết bị, dệt may, giày dép cũng suy yếu, nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng hai con số.

Thị trường xuất khẩu mạnh nhất của nước ta vẫn là ASEAN (tăng 38%), tiếp theo là Hàn Quốc (tăng 18,1%) và Mỹ (tăng 15%). Xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức hai con số. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU giảm một cách đáng ngạc nhiên với mức -1,3% sau mức tăng trưởng tích cực 3 tháng trước đó.

Kim ngạch nhập khẩu giảm nhưng vẫn ở mức mạnh mẽ 33,5% trong tháng 6. Cán cân thương mại tháng 6 chứng kiến mức thâm hụt thu hẹp 1 tỷ USD, từ mức thâm hụt 2,1 tỷ USD hồi tháng 5. NHư vậy, tổng thâm hụt thương mại trong nửa đầu năm 2021 là 1,5 tỷ USD.

Lạm phát lõi ổn định

Lạm phát toàn phần giảm nhẹ trong tháng 6 xuống mức 2,4% từ mức 2,9% hồi tháng 5, chủ yếu do giá thực phẩm giảm (-0,3%) và lạm phát giao thông suy yếu (15,5%). Điều này giúp bù đắp mức tăng chi phí nhà ở và nguyên vật liệu xây dựng (4%). 

Lạm phát lõi duy trì ở mức 1,1% không đổi so với tháng 5.

Các nhà phân tích MayBank KimEng duy trì dự báo mức lạm phát bình quân 3,5% trong toàn năm 2021 và lạm phát bình quân năm 2022 ở mức 3,8%. 

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa và năng lượng toàn cầu tăng có thể gây áp lực tăng lên đối với chỉ số CPI trong những tháng tới.

Dự báo tăng trưởng GDP 2021 ở mức 6,5%

MayBank KimEng cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong toàn năm 2021. Theo các chuyên gia, làn sóng dịch Covid-19 khó làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế của đất nước, dù nó có thể làm chậm lại mức dự báo này.

MayBank KimEng: làn sóng dịch Covid-19 là rủi ro đe dọa đà phục hồi kinh tế nửa cuối năm - Ảnh 2.

Tốc độ tiêm chủng vắc xin của Việt Nam còn chậm (Ảnh: MayBank KimEng)

Dự báo đà phục hồi của nền kinh tế trong nửa cuối năm vẫn được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực công nghiệp cũng như sự cải thiện nhu cầu quốc tế dẫn đến việc mở cửa trở lại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là Mỹ và EU. Tuy nhiên, MayBank KimEng cảnh báo nhu cầu trong nước và khu vực dịch vụ có thể sẽ phục hồi chậm do tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 chưa nhanh.

Các nhà kinh tế Maybank KimEng cùng kỳ vọng NHNN sẽ giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục