Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021: Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy?

H.Anh Thứ tư, ngày 30/06/2021 18:30 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% nhờ hưởng lợi từ sự hồi phục của kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Bình luận 0

Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng GDP 5,64%. Con số này thấp hơn mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, tuy nhiên, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Kinh tế tăng trưởng 5,64% nửa đầu năm: Phản ánh đúng thực chất, Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: TCTK)

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP 5,64% phản ánh đúng thực chất

Theo ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, con số này phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế Việt Nam vì những hoạt động kinh tế không khác nhiều so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Du chỉ ra ba dấu hiệu.

Thứ nhất, các hoạt động ngoại thương vẫn rất sôi động. Điều này được thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.

Thứ hai, thu ngân sách đạt đến 57,7% dự toán, trong khi thông thường 6 tháng đầu năm các năm trước thường thấp hơn 50% và thu nội địa đạt 55,5% dự toán.

"Có hoạt động kinh tế thì mới có thể thu được ngân sách. Thực tế tôi đi một số địa phương thấy các hoạt động kinh tế rất sôi động", ông Du đề cập thêm.

Kinh tế tăng trưởng 5,64% nửa đầu năm: Phản ánh đúng thực chất, Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy - Ảnh 2.

Các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn diễn ra bình thường. (Ảnh: LT)

Thứ ba, các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn diễn ra bình thường, không ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19.

"Nếu chỉ đọc tin tức trên truyền thông và trên mạng xã hội thì sẽ thấy rằng trong hơn một năm qua, nhiều thời điểm nền kinh tế Việt Nam dường như phải dừng lại vì ưu tiên chống dịch. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Đối với nền kinh tế, hầu hết các hoạt động vẫn bình thường. Ví dụ, trong những ngày nước sôi lửa bỏng ở TP.HCM gần đây thì các quy định về chống dịch, giãn cách, dừng hoạt động chỉ được thực thi nghiêm ngặt đối với những trường hợp, tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc hiển hiện trước mắt truyền thông, trong khi nhiều hoạt động khác vẫn bình thường.

Nói cách khác, đời sống và mức sinh hoạt cơ bản của rất nhiều người dân vẫn bình thường. Các chợ truyền thống về cơ bản không biến động. 

Các hoạt động bị ảnh hưởng nhiều là các trung tâm mua sắm hoặc một số hoạt động dịch vụ cao cấp cho tầng lớp thu nhập khá trong xã hội, tuy nhiên thực tế, số sử dụng các hoạt động dịch vụ cao cấp chưa nhiều nên mức độ ảnh hưởng của chúng là không lớn", vị này thông tin thêm.

Tăng trưởng GDP cao nhờ kinh tế thế giới hồi phục nhanh, đặc biệt là Trung Quốc?

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế - TS.Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, 5,64% là mức tăng trưởng cao của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Kết quả này cho thấy sự hồi phục tích cực của nền kinh tế nếu xét cả về cung và cầu.

Về phía cung, mặc dù khu vực dịch vụ tăng 3,96%, là mức thấp nhưng được bù đắp lại bởi 2 lĩnh vực đó là công nghiệp và nông nghiệp.

Theo đó, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% - mức tăng trưởng hiếm hoi của ngành nông nghiệp từ trước đến nay (thông thường chỉ tăng khoảng 2,2% - 2,8%).

Cùng với đó, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp nửa đầu năm đạt 8,91%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao trong vòng 2 năm gần đây.

Kinh tế tăng trưởng 5,64% nửa đầu năm: Phản ánh đúng thực chất, Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy - Ảnh 4.

Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm gần đây. (Nguồn: TCTK)

Nhìn về phía cầu gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều cho thấy những tín hiệu tích cực.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, trong nửa đầu năm tiêu dùng có sự hồi phục so với cùng kỳ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).

Đối với hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020.

Thứ ba cũng là yếu tố quan trọng nhất đó là bức tranh về xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.

"Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng của Việt Nam 6 tháng qua đã hưởng lợi từ sự hồi phục của kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Kinh tế tăng trưởng 5,64% nửa đầu năm: Phản ánh đúng thực chất, Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy - Ảnh 5.

Xuất khẩu nông sản hưởng lợi nhờ kinh tế Trung Quốc hồi phục, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: LT)

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2021?

Trong bối cảnh hiện tại và kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vào khoảng trên 6% năm 2021.

Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% - 6,3%. 

"Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, song khả năng vẫn đạt tăng trưởng từ 6,1-6,3% cho cả năm 2021 khi so sánh với nền thấp của năm ngoái", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Còn tại báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem