MBS: Tăng trưởng lợi nhuận ngành Ngân hàng có thể giảm tốc, Bất động sản phục hồi

27/06/2024 16:05 GMT+7
Công ty Chứng khoán MBS dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II/2024 sẽ giảm tốc. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phục hồi nhưng phân hóa.

Cụ thể, MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường (bao gồm: ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp, vật liệu cơ bản, dầu khí, điện, bán lẻ) có thể đạt mức tăng 9,5% so với cùng kỳ trong quý II/2024 do có sự hỗ trợ bởi mức nền thấp cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi nhẹ.

Ngành ngân hàng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm nhẹ

Theo MBS, biên lãi ròng NIM của ngành ngân hàng có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong quý II/2024 khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.

Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ trong khi quý I/2024 tăng trưởng 14%.

Tăng trưởng tín dụng trong quý II dự báo sẽ khả quan hơn so với Quý I vừa qua (tính tới ngày 20/6/2024, tăng trưởng tín dụng ước đạt 4,17% so với mức 0,26% vào cuối quý I) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.

Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn.

Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II. NPL tăng và LLR giảm là xu hướng chung toàn ngành. Nhìn chung lợi nhuận sau thuế (LNST) của ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB; một số ngân hàng ghi nhận LNST tăng trưởng âm do LNST cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như STB, BID.

MBS: Tăng trưởng lợi nhuận ngành Ngân hàng có thể giảm tốc, Bất động sản phục hồi - Ảnh 1.

Dự báo lợi nhuận ròng quý II của các ngân hàng mà MBS quan sát (nguồn: Chứng khoán MBS)

Cụ thể với nhóm ngân hàng mà MBS dự báo tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank thì MBS dự báo lợi nhuận ròng kỳ vọng tăng trưởng 146% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng tăng 12,8% so với đầu năm nhờ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp. NIM sẽ giảm nhẹ 12 điểm cơ bản so với quý I/2024 do đẩy mạnh khách hàng doanh nghiệp có lãi suất cho vay thấp hơn.

Về VPBank, MBS dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý tới sẽ đạt 11,5%. NIM đi ngang so với quý I, chi phí trích lập giảm 15%.

MBS dự báo tăng trưởng tín dụng của HDBank sẽ tăng 9% so với đầu năm. NIM được xác định tạo đáy trong 2023, và đang trên đà cải thiện trong 2024.

Ngành bất động sản phục hồi nhưng phân hóa

Kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản dân cư theo dự phóng của MBS sẽ chưa có sự đột phá trong quý II này do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều trước thời điểm ban hành các luật liên quan (dự kiến ngày 1/8/2024).

Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản trong quý II này.

Theo MBS, lợi nhuận ròng toàn ngành nhiều khả năng đi ngang chủ yếu nhờ Vinhomes (VHM) có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng đi kèm.

Một số doanh nghiệp khác có thể chứng kiến mức giảm so với cùng kỳ từ 50-70% như Nhà Khang Điền (KDH) và Tập đoàn Đất Xanh (DXG) do doanh thu bàn giao dự án sụt giảm khi so với mức nền cao của quý II/2023.

Phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian sắp tới do mang tính đầu cơ và gặp nhiều vấn đề về pháp lý.

Ngoài ra, cũng trong báo cáo của MBS, các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ (tăng 379% so với cùng kỳ), vật liệu cơ bản (tăng 63%) tới từ mức nền thấp năm ngoái.

Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như Bất động sản Khu công nghiệp (giảm 26%) do mức nền cao năm ngoái hay dầu khí (giảm 2%) do kết quả kém tích cực ở các doanh nghiệp hạ nguồn.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục