Moody's hạ triển vọng tín nhiệm 18 ngân hàng: Ngân hàng đầu tiên lên tiếng

26/12/2019 10:30 GMT+7
Nằm trong số 18 ngân hàng bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm, VPBank cho biết việc điều chỉnh Triển vọng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của VPBank xuất phát từ việc điều chỉnh Triển vọng quốc gia, và hoàn toàn không phản ánh sự suy giảm trong kết quả hoạt động của các ngân hàng.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa công bố báo cáo xếp hạng tín nhiệm của VPBank ngay sau khi kết thúc đợt đánh giá lại xếp hạng quốc gia Việt Nam.

Theo đó, toàn bộ các định hạng tín nhiệm của VPBank không thay đổi so với báo cáo gần đây nhất công bố hồi tháng 10 vừa qua. Trong bảng xếp hạng mới này, Moody's chỉ điều chỉnh duy nhất đối với một tiêu chí, đó là Triển vọng Tiền gửi ngoại tệ dài hạn, từ Ổn định sang Tiêu cực.

"Moody's khẳng định rõ trong báo cáo của mình rằng việc điều chỉnh Triển vọng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của VPBank xuất phát từ việc điều chỉnh Triển vọng quốc gia, và hoàn toàn không phản ánh sự suy giảm trong kết quả hoạt động của các ngân hàng", lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.

18 ngân hàng bị hạ bậc triển vọng tín nhiệm: Ngân hàng đầu tiên lên tiếng - Ảnh 1.

Moody's hạ Triển vọng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của VPBank

Ban lãnh đạo VPBank nhận định, việc Moody's hạ Triển vọng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của ngân hàng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới tiềm lực tài chính cũng như nhu cầu huy động vốn quốc tế của ngân hàng.

VPBank dẫn chứng, trong tháng 7 vừa qua, VPBank đã huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm, với lãi suất danh nghĩa 6,25%. VPBank là tổ chức Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu quốc tế theo chương trình EMTN.

Đây là lượng trái phiếu USD lớn nhất với lãi suất danh nghĩa thấp nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Gần 6 tháng sau khi phát hành, trái phiếu của VPBank có thanh khoản khá tốt trên thị trường, thể hiện qua việc lợi tức trái phiếu liên tục biến động theo chiều hướng tích cực.

Với thành công thu được từ đợt huy động này, VPBank đã được Tạp chí The Asset (ấn phẩm uy tín hàng đầu về tài chính tại thị trường châu Á) vinh danh là tổ chức phát hành trái phiếu nước ngoài tốt nhất châu Á và tổ chức Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu USD trên thị trường vốn quốc tế kể từ năm 2014. Đây là giải thưởng quan trọng nằm trong giải thưởng "The Asset Triple A Awards" của tạp chí The Asset, nhằm tôn vinh những tổ chức tài chính, công ty có thành tựu xuất sắc đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành tài chính tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (bao gồm Nhật Bản và Úc) và Việt Nam nói riêng.

Trước đó vào tháng 4, VPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sớm trước thời hạn về việc áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên được áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam.

Kể từ ngày 01/5/2019, mọi hoạt động của VPBank đã tuân thủ theo chuẩn mực Basel II, đây chính là lợi thế của VPBank đối với việc huy động vốn quốc tế, bởi việc tuân thủ sớm chuẩn mực khắt khe này đã chứng tỏ năng lực tài chính của VPBank rất tốt, đạt chuẩn quốc tế và nhà đầu tư ngoại có cơ sở để đặt lòng tin vào sự minh bạch và bền vững trong hoạt động của ngân hàng.

"Việc tuân thủ sớm Basel II cùng nỗ lực xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC trước thời hạn cam kết, với tỷ lệ trích lập dự phòng thấp đã được Moody's ghi nhận và đánh giá tích cực về VPBank trong việc cải thiện chất lượng tài sản, đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng; giúp VPBank giữ vững vị thế là 1 trong các ngân hàng tư nhân dẫn đầu trên thị trường", VPBank đề cập.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã phát đi thông báo về việc hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

18 ngân hàng bị điều chỉnh đợt này là: ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, Lienvietpostbank, MBBank, MSB, NamABank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, Vietinbank và VPBank.

Trong 10 ngân hàng này, Moody's giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn với 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.

Đối với 5/18 ngân hàng, Moody's giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn, và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành tiêu cực từ xếp hạng để xem xét hạ cấp.

Tổ chức này cũng xác nhận đánh giá CR và CRR dài hạn của 3 ngân hàng còn lại.

Tổ chức này khẳng định, các hành động xếp hạng đối với 18 ngân hàng được điều khiển hoàn toàn bởi xếp hạng quốc gia và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập các ngân hàng.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục