Một Di tích Quốc gia đặc biệt ở Hải Dương đang chờ ngày... đổ sập!?

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 02/02/2023 09:41 AM (GMT+7)
Chùa Giám thuộc xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Đây là một di tích trong cụm di tích Quốc gia đặc biệt đền Xưa- chùa Giám- đền Bia gắn với Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Hiện nay, di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Theo phản ánh của người dân, PV báo Dân Việt đã ghé thăm chùa Giám vào một ngày đầu xuân 2023. Tuy đang là mùa lễ hội, nhưng sân chùa vắng lặng, tịnh không một bóng người vào thắp hương lễ Phật. "Vì chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên chúng tôi không dám cho nhân dân vào hành lễ, nhất là tại khu vực nhà Cửu phẩm"- một cán bộ quản lý văn hóa của huyện Cẩm Giàng cho biết. 

Một di tích Quốc gia đặc biệt ở Hải Dương đang chờ ngày ... đổ sập!? - Ảnh 1.

Một góc chùa Giám đang tạm thời được "gia cố" để chống sập. Ảnh: Vũ Thị Hải

Ông Nguyễn Văn Long- Phó Chủ tịch UBND xã Định Sơn dẫn chúng tôi một vòng quanh chùa để tận mắt chứng kiến những vị trí công trình bị mục nát đã đến độ nguy cấp. 

Tại tòa tiền đường, nhiều hạng mục như: hoành, dui mè, xối góc, tầu đều đã mục. Mái ngói đã tụt, nhiều chỗ phải che chắn tạm bợ. "Sợ nhất là những ngày trời mưa, nước trút thẳng xuống các ban, tượng thờ, chúng tôi không biết che chắn các bức tượng như thế nào cho khỏi ướt"- một người dân làm chấp tác tại chùa chia sẻ. 

Hành lang chùa cũng trong tình trạng bị xô dột, mối mọt, các bức tượng La Hán nứt, hỏng nhiều chi tiết như chân tay, tai, đầu... Tường của các tòa tiền đường, nhà tổ, nhà phẩm đều bị bong tróc.

Ông Nguyễn Văn Long- Phó Chủ tịch UBND xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng trao đổi với PV về sự xuống cấp của chùa Giám. Video: Vũ Thị Hải

Hình ảnh phản cảm nhất đập vào mắt chúng tôi là công trình nhà Cửu phẩm- nơi lưu giữ bảo vật quốc gia- tòa Cửu phẩm liên hoa đang buộc phải chống đỡ bằng những cột sắt để chống sập. 

"Vì sợ tòa nhà này có thể bị sập bất cứ lúc nào nên địa phương phải tạm thời dùng biện pháp như thế này để "chống sập". Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế."- ông Nguyễn Văn Long phân bua. 

Theo tư liệu về chùa Giám, tòa Cửu phẩm liên hoa là điểm nhấn đặc sắc nhất của chùa được đặt ở chính giữa nhà cửu phẩm. Nhà Cửu phẩm hình vuông 4 mặt giống nhau, cao 3 tầng, 12 mái. Kiến trúc chính của nhà Cửu phẩm là 4 cột tứ trụ và 12 cột quân cùng hệ thống xà kẻ góc hầu hết bằng gỗ lim, tất cả các chi tiết đều được kiến tạo hết sức mềm mại đặc trưng của kiến trúc thời Hậu Lê. Mái tạo dáng 12 đầu đao cong, lợp ngói mũi, trên chóp có phù điêu hình nậm rượu.

Tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa Giám là một trong ba tòa cửu phẩm có giá trị đặc biệt về nghệ thuật điêu khắc còn lưu giữ đến ngày nay. Clip: Vũ Thị Hải

Trong nhà Cửu phẩm là tòa Cửu phẩm liên hoa được thiết kế theo kiểu hình lục giác gồm 9 tầng hoa sen chồng lên nhau, cao trên 6m, mỗi cạnh 1,24 m, càng lên cao các tầng sen càng nhỏ đi. Mỗi cạnh được chạm những cánh hoa sen nằm sát nhau theo hàng ngang sơn màu đỏ, mép cánh hoa nhũ vàng. 

Tầng 9 có pho tượng A Di Đà ngồi tư thế tọa thiền, đầu đội vào trần như giữ thăng bằng cho tòa Cửu phẩm. Trên Cửu phẩm tổng cộng có 144 pho tượng Phật. Trước đây, mỗi cạnh của một tầng Cửu phẩm có 3 pho tượng Phật cao chừng 20 cm được sơn son thếp vàng nhưng do di chuyển và thất thoát, các pho tượng cũ gần như không còn, thay vào đó là các tượng Phật bằng đất nung mới. Toàn bộ kết cấu Cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi để quay tròn.

Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Giám được lưu giữ nguyên bản kiến trúc cổ và là một trong ba tòa Cửu phẩm (chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, chùa Động Ngọ ở Thanh Hà, Hải Dương) có giá trị đặc biệt về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền được lưu giữ ở nước ta cho đến ngày nay. Năm 2015, tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Giám được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay, do bị xuống cấp nghiêm trọng, tòa Cửu phẩm liên hòa tại chùa Giám không còn quay được nữa. Thời gian gần đây, Ban quản lý di tích cũng không dám cho nhân dân vào để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này.

Một người dân chấp tác tại chùa Giám mong Nhà nước nhanh chóng cho sửa chữa, trùng tu chùa Giám. Clip: Vũ Thị Hải.

Ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chùa Giám, địa phương đã báo cáo tỉnh lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trùng tu. Tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí ngân sách, kêu gọi xã hội hóa, sẵn sàng để tu bổ di tích. 

Chùa Giám cần được "cứu" trước khi bị đổ sập bất cứ lúc nào...!

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về tính cấp bách của việc trùng tu di tích chùa Giám, lãnh đạo Sở Văn hóa tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, hồ sơ xin sửa chữa, trùng tu di tích này đã được tỉnh hoàn thiện gửi về Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) để xem xét thẩm định và phê duyệt theo trình tự và thẩm quyền. 

"Việc tu bổ di tích phải hết sức thận trọng vì nếu không cẩn thận thì trùng tu di tích sẽ thành phá di tích, nhất đây lại là ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời nên càng cần phải đánh giá kỹ cái gì cần giữ lại, cái gì cần thay thế. Chúng tôi đang chờ quyết định cuối cùng của Cục Di sản Văn hóa và sẽ tiến hành công tác trùng tu trong thời gian sớm nhất"- vị lãnh đạo này nói. 

Theo tài liệu về chùa Giám, chùa được xây dựng ở phía Đông huyện Cẩm Giàng, bên hữu ngạn sông Thái Bình từ thế kỷ XVII và sang thế kỷ XVIII được sửa chữa, trùng tu với quy mô lớn theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm tiền đường, thượng điện, tòa Cửu phẩm liên hoa, nhà tổ và hành lang, kiến trúc to đẹp, mang đậm dấu tích nghệ thuật thế kỷ XVII. 

Một di tích Quốc gia đặc biệt ở Hải Dương đang chờ ngày ... đổ sập!? - Ảnh 5.

Hình ảnh ban thờ Tam bảo bị mưa dột. Ảnh tư liệu nhà chùa cung cấp.

Để phòng lũ lụt, năm 1974, chùa được nhân dân địa phương di dời về vị trí hiện nay, cách vị trí cũ 7 km. Đến nay, chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị bao gồm 100 pho tượng cổ tượng La Hán, tượng Phật. Trong đó có pho tượng Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người có công đầu trong việc trùng tu, khôi phục chùa. Theo tư liệu về chùa Giám, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Giám, chuyên tâm nghiên cứu y học, lấy vườn chùa làm nơi trồng thuốc, dạy chữa bệnh cho các tăng ni trong chùa. 

Ngoài hệ thống tượng, còn có 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, tòa Cửu phẩm Liên hoa có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc biệt, là tư liệu có giá trị lịch sử phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lịch sử. Các công trình được xây dựng liên hoàn tạo nên một hệ thống di tích cổ kính. 

Với giá trị kiến trúc, lịch sử lâu đời, gắn với tên tuổi của vị Đại danh y Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng phát triển nền y học dân tộc với phương châm "Nam dược trị Nam nhân", chùa Giám đang rất cần được quan tâm tu bổ khẩn cấp để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ta. 





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem