Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm triệu USD gạo ‘ngồi trên đống lửa’ vì ‘chờ’ chính sách
Doanh nghiệp chết dở
Là giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc lớn nhất Việt Nam, trên vai ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc doanh nghiệp Dưỡng Vũ rice là miếng ăn, cuộc sống của hơn 400 công nhân và hàng nghìn người nông dân đã đi theo anh 13 năm nay.
Năm 2019, Dương Vũ rice đã xuất khẩu 200.000 tấn gạo nếp mang về gần 100 triệu USD đóp góp cho kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020 hứa hẹn sẽ là một "mùa vàng" hơn thế, hàng nghìn hộ nông dân khấp khởi mừng thầm vì vừa được mùa lại vừa được giá.
Gần 500 container hàng đã kẹp chì, tương đương 12.000 tấn gạo nếp, trị giá gần 200 tỷ đồng (khoảng 8 triệu USD) của Dương Vũ đã xếp sẵn ở cảng chờ ngày mở luồng khai hải quan là xuất khẩu và doanh nghiệp có thể thu tiền về.
Vậy mà công việc tưởng như chỉ là thủ tục giấy tờ là khai báo hải quan lại đang đẩy ông Hoà và Dương Vũ đứng trước nguy cơ phá sản trong gang tấc nếu hàng tiếp tục bị lưu lại cảng thêm hơn chục ngày nữa, "miếng ăn" của hàng trăm nghìn hộ gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ sông đổ bể.
Quá bối rối được tình cảnh hiện nay, ông Hoà chia sẻ với Nhadautu.vn trong mệt mỏi: "Hàng nghìn hộ nông dân đã đi theo tôi 13 năm nay để trồng gạo nếp xuất khẩu đặt riêng cho các xưởng làm bánh của Trung Quốc. Nếu không thông quan kịp trong 10 ngày tới, số gạo đóng trong container sẽ không còn đủ chất lượng để làm bánh. Lúc đó, chúng tôi chắc chắn phá sản, hàng nghìn tấn gạo coi như đổ đi vì đây không phải là gạo tẻ để dùng ăn dần, mà cũng không thể bán trong nước vì đây là gạo nếp được trồng chuyên để làm bánh".
"Nếu không xuất khẩu được kịp thời lô hàng này, công ty sẽ chết, không có cơ hội để làm lại. Chúng tôi không còn nhìn thấy tương lai nữa khi số container hàng vẫn nằm đây", ông Hoà nói.
Khi được hỏi với một lô hàng quan trọng như vậy, ảnh hưởng tới sự sống còn của công ty, hàng cũng đã đóng container, kẹp chì, vậy tại sao công ty không nhanh chóng hoàn thành các thủ tục khai hải quan để có thể được nằm trong số gạo 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong thời gian này, ông Hoà bối rối: "Có biết đâu mà khai. Hải quan không hề có thông báo nào cho doanh nghiệp là khi nào mở đăng ký, theo dõi trên website chính thức của Tổng cục Hải quan cũng không thấy có thông báo nên không biết lúc nào để mà vào khai báo".
Cổng khai báo mở 'thần tốc' giữa đêm
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn theo thông báo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, ngày 10/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020, Quyết định có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại với số lượng 400.000 tấn. Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn.
Đáng chú ý, văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công thương tại văn bản trên; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho đến khi cổng đăng ký thông quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan mở và đóng vào ngày 11/4 thì doanh nghiệp vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào của cơ quan này và cũng không thấy thông báo trên website chính thức của Tổng cục Hải quan. Trong khi đó, để doanh nghiệp có thể xuất khẩu được, đây là thủ tục quan trọng nhất cần có và quyền mở đóng cổng đăng ký online này lại nằm trong tay Tổng Cục Hải quan.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ánh, vì biết chủ trương của Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại và được đăng ký online từ 0 giờ ngày 11/4, nên đã trực suốt cả một ngày 11 nhưng vẫn không thấy cổng đăng ký mở và đến tối muộn mới dám đi ngủ, đợi sáng hôm sau dậy sớm vào thử lại. Tuy nhiên, sáng hôm sau dậy đã thấy cổng đăng ký mở và đóng lại. Sau đó, doanh nghiệp mới biết là cổng đăng ký đã mở vào 12 giờ đêm, rồi đóng chỉ sau có 3 tiếng vì 'đã nhận đủ số lượng'.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, đặc biệt trong lần đăng ký hồ sơ xuất khẩu gạo lần này Tổng Cục Hải quan "dễ dãi" hơn bình thường, khi điều kiện khai hải quan rất dễ, không cần tính hàng ở công mà tính theo công dời, nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần lấy tên tàu bất kỳ là có thể khai trên tờ khai hải quan và có thể xuất khẩu được. Vì thế, doanh nghiệp rất dễ để "xí phần". Chính vì vậy, có doanh nghiệp đã đổ tới 200.000 tấn hàng vào container, đợi sẵn ở cảng vẫn không thông quan được, trong khi đó có những doanh nghiệp 'tàu vẫn ở tận đâu đó' lại có thể khai hải quan và được xuất khẩu trước.
Vị này cũng cho rằng, vì nhu cầu gạo trên thế giới đang rất cao nên chỉ cần mở được tờ khai là coi như doanh nghiệp đã cầm chắc lãi lớn tới 90%, nên có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thuê hẳn một đội tàu để khai báo hải quan.
Gạo nếp trong danh mục "an ninh lương thực"?
Trở lại câu chuyện 'sống dỡ, chết dở' của ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Dương Vũ rice, vì không hề biết thời gian mở Cổng khai báo thông quan trực tuyến của Tổng Cục Hải quan để vào đăng ký cho nên số gạo nếp của ông không thể nằm trong 400.000 tấn gạo được Thủ tướng cho phép xuất khẩu đợt này.
Mặc dầu vậy, ông Hoà cho biết, không thể nói gạo nếp nằm trong danh mục sản phẩm cần đảm bảo an ninh lương thực, vì nhu cầu gạo nếp trong nước rất thấp và gạo của công ty ông đặt người nông dân trồng cũng không thể bán trong nước vì đây là sản phẩm đặc thù dùng làm bánh của Trung Quốc.
Ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có công văn 4355 gửi Bộ Công thương để Bộ Công thương có đề xuất gửi lên Thủ tướng về việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ về việc có hay không cho phép hoạt động xuất khẩu gạo nếp diễn ra bình thường trở lại hoặc gạo nếp có cần thiết phải nằm trong danh mục hàng hoá đảm bảo an ninh lương thực quốc gia hay không?
Trước đó, ngày 3/4, UBND tỉnh Long An đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho cơ chế xuất khẩu gạo mã HS 1006.30 không giới hạn số lượng. Long An cho biết, ngày 26/3, tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì, Long An và nhiều tỉnh, thành khác đã kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp, vì mặt hàng này trong nước sản xuất nhiều, nhất là tỉnh Long An và An Giang, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít.
Như trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Quang Hoà cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng 12.000 tấn gạo nếp để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do vướng thủ tục hải quan và quyết định của Thủ tướng nên hàng chục nghìn tấn gạo nếp của doanh nghiệp này đang có nguy cơ đổ sông đổ biển nếu không thể xuất khẩu trong 10 ngày tới.
10 ngày để cứu hoặc giết chết một doanh nghiệp đang gánh trên vai hàng nghìn miệng ăn sẽ không kịp nếu các Bộ ngành vẫn "đá bóng trách nhiệm" cho nhau. Chỉ biết rằng, mỗi ngày trôi qua doanh nghiệp của ông Hoà vẫn đang phải trả 300 triệu tiền phí lưu kho cho gần 500 container hàng tại cảng.