Một Hợp tác xã nuôi cá kiểu 4.0 ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỷ đồng/năm

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 29/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
Không để nguồn tài nguyên vùng trũng thấp bị bỏ hoang, Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã xin chuyển đổi 35 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. So với cấy lúa giá trị mô hình tăng gấp 20 lần, doanh thu 20 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Áp dụng chuyển đổi số vào nuôi con cá nước ngọt

Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan các ao cá mà gia đình, các thành viên đang sản xuất, ông Phạm Hồng Trình-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa luôn nhắc tới số hóa, chuyển đổi số trong việc chăn nuôi nhằm đem lại giá trị cao trên một diện tích.

Clip: Nuôi cá nước ngọt áp dụng chuyển đổi số thành công tại xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)

Ông Phạm Hồng Trình tâm sự: "Trước kia, ở vùng đất xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) trũng thấp, người dân chỉ biết cấy lúa nhưng thực tế giá trị đem lại không cao. Nhận thấy điều đó, năm 2015, Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa được thành lập với mục đích giúp bà con nông dân cùng nhau làm giàu".

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Trình-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa sử dụng điện thoại để điều khiển các thiết bị nuôi cá. Ảnh: Vũ Thượng

"Nhưng với cách thức nuôi cá truyền thống thì người dân không bao giờ khá lên được, chính vì thế chúng tôi đã được đi tập huấn các kỹ thuật nuôi con cá. Đặc biệt, áp dụng số hóa hay chuyển đổi số vào nuôi cá đã cải thiện năng suất, tăng hiệu quả làm việc và tiết kiệm chi phí trong sản xuất", ông Trình cho biết thêm.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 3.

Máng ăn tự động được ông Phạm Hồng Trình (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn), đầu tư để nuôi con cá. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ông Trình, áp dụng số hóa ở đây là việc sử dụng máng ăn nuôi cá tự động. Cụ thể, chỉ cần một cái điện thoại thông minh và cài đặt phần mềm là có thể điều khiển cho cá ăn đúng giờ, đúng số lượng…Ngoài ra, trên ao nuôi còn lắp đặt thêm hệ thống tạo Oxy cho đàn cá, khi thu hoạch cá có máy cẩu, tời tiện giảm được nhiều thời gian, công sức.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 4.

Nhờ áp dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản nhiều hộ dân xã Gia Hòa thắng lớn. Ảnh: Vũ Thượng

Từ việc ghi chép, ông Phạm Hồng Trình đánh giá việc áp dụng chuyển đổi số vào nuôi con cá như hiện tại cho thu hoạch khoảng 2 tấn cá/sào, còn nuôi truyền thống khoảng 1 tạ cá/sào. So với cấy lúa, nuôi cá trước kia giá trị tăng gấp 20 lần, người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 5.

Hệ thống cung cấp Oxy cho đàn cá khi gặp thời tiết bất lợi. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Hồng Trình lưu ý tới người dân khi áp dụng chuyển đổi số vào nuôi con cá có nhiều lợi thế, tuy nhiên bà con nông dân phải nắm chắc các kỹ thuật, tập trung cao tránh để xảy sai sót. Do ao cá nuôi với mật độ lớn nên việc cung cấp Oxy vào ao nuôi rất cần thiết, trường hợp mất điện phải có phương án dự phòng như máy phát điện để sử dụng kịp thời.

Tham gia hợp xã cùng nhau phát triển

Được biết, trong các năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch Covid, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao…nên phần nào tác động trực tiếp đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa, cũng như nhiều người dân khác.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 6.

Loại cá nước ngọt mà các thành viên trong Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa nuôi chủ yếu trắm cỏ, cá chép...Ảnh: Vũ Thượng

Qua tìm hiểu, các thành viên tham gia vào Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa chủ yếu nuôi con cá nước ngọt theo hướng công nghiệp, giai đoạn từ năm 2018-2019, bình quân 1 tấn cá trừ mọi chi phí các thành viên trong hợp tác lãi từ 10-12 triệu đồng. Đến năm 2022-2023, 1 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi 5 triệu đồng.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 7.

Một thành viên trong hợp tác đang thực hiện xử lý môi trường ao nuôi để tiến hành thả cá. Ảnh: Vũ Thượng

Một hợp tác xã nuôi cá ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 8.

Nguồn nước cấp vào ao nuôi cá đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Vũ Thượng

"Việc tham gia là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa chúng tôi học hỏi được từ nhau rất là nhiều. Các thành viên trao đổi về kỹ thuật chọn giống tốt, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá, giúp nhau ngày công…Đặc biệt, thời điểm bị dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chúng tôi động viên nhau, hỗ trợ nhau để qua đó cùng nhau phát triển". Ông Bùi Đức Thịnh-Phó Giám đốc hợp tác xã nói.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 8.

Thức ăn tổng hợp cho đàn cá tăng cao khiến người nuôi gặp bất lợi. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Hồng Trình-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa khẳng định: "Hợp tác xã trong thời gian qua có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho thành viên và người lao động tại xã Gia Hòa. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương".

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 9.

Ngoài nuôi cá nước ngọt, Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa còn trồng cây ăn quả. Ảnh: Vũ Thương

"Gia đình tôi có diện tích 1 ha đất đã chuyển đổi, trong đó tôi thiết kế 5.000 m2 nuôi trồng thủy sản, 5.000 m2 trồng cây bưởi, mít và làm chuồng nuôi con nhím, bồ câu…Trừ mọi chi phí gia đình tôi bỏ túi 300 triệu đồng/năm", ông Trình bộc bạch.

Một hợp tác xã nuôi cá ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 11.

Bình quân mỗi năm gia đình ông Phạm Hồng Trình bán khoảng 100 con nhím thương phẩm, giống ra thị trường. Ảnh: Vũ Thượng

Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) được thành lập vào năm 2015, hiện có 32 thành viên, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (cá trắm, chép, trôi…) khoảng 35 ha. Tổng doanh thu năm vừa qua là 20 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 3 tỉ đồng.

Một hợp tác xã nuôi cá, trồng cây ở Ninh Bình có doanh thu 20 tỉ đồng/năm - Ảnh 10.

Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen. Ảnh: Vũ Thương

Được biết, năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa được UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào; năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Hợp tác xã dịch vụ thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một trong 63 hợp tác xã của cả nước sẽ được biểu dương trong dịp diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem