Một ngân hàng trong nhóm Big4 lộ kế hoạch tiếp nhận một ngân hàng yếu kém

21/04/2023 06:00 GMT+7
Trước thềm đại hội được diễn ra, Vietcombank công bố tờ trình bổ sung, trong đó liên quan đến kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo tờ trình bổ sung của HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB)  xin ý kiến cổ đông tại ĐHĐCĐ được tổ chức sáng nay 21/4, "ông lớn" ngân hàng nhóm Big4 này hé lộ kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. 

Theo đó, Vietcombank sẽ tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. 

Tuy nhiên, thông tin về tổ chức tín dụng yếu kém này vẫn chưa được công bố.

Một ngân hàng trong nhóm Big4 hé lộ kế hoạch sẽ tiếp nhận một ngân hàng yếu kém - Ảnh 1.

Định hướng hoạt động năm 2023 của Vietcombank

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 cũng là đại hội đầu tiên bước sang nhiệm kỳ mới 2023 - 2028. Trong giai đoạn mới, Vietcombank trình cổ đông một số mục tiêu dự kiến cho năm 2023 như: Tăng trưởng tổng tài sản 9-10%/năm; tăng trưởng tín dụng 12-14%/năm; tăng trưởng huy động 10-11%/năm; ROE 17-18%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; tỷ lệ an toàn vốn 10-11%.

Kết quả hoạt động của nhiệm kỳ 2018 - 2023 ghi nhận, tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2022 của Vietcombank đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,8 lần (tăng gần 800.000 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2017. Tổng tài sản tăng trưởng liên tục với mức tăng trưởng kép (CAGR) 12%/năm.

Tổng vốn huy động tại thời điểm 31/12/2022 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,7 lần (tăng trên 500.000 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2017. Tốc độ CAGR huy động vốn đạt 11%/năm.

Dư nợ tín dụng tại thời điểm 31/12/2022 đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,1 lần (tăng gần 600.000 tỷ đồng) so với 31/12/2017, tốc độ CAGR 16%/năm.

Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,11% cuối năm 2017 xuống còn 0,68% tại thời điểm cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ nợ xấu hàng năm được kiểm soát ở mức dưới 1% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng luôn đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng. 

Lợi nhuận trước thuế tăng 3,3 lần, từ 11.000 tỷ đồng năm 2017 lên 37.000 tỷ đồng năm 2022, tương đương với tốc độ tăng bình quân 29%/năm, liên tục dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô lợi nhuận.

Chỉ số hiệu quả ROAA, ROAE năm 2022 của VCB duy trì ở mức cao, đạt tương ứng là 1,9%; 24%, tăng tương ứng là 185%; 136% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ.




Phương Thảo
Cùng chuyên mục