"Mục sở thị" nơi đàn chuột sống "sang chảnh" trước khi hiến thân cho khoa học
Có thể nói chuột ở đây đã có cuộc sống như “thiên đường” trước khi “hiến thân” cho khoa học.
Trang trại chăn nuôi chuột thí nghiệm lớn nhất Đông Nam Á
Cách thành phố Nha Trang hơn 20 km về phía nam, Trại chăn nuôi Suối Dầu (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - IVAC) là nơi đang nuôi đàn chuột có số lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu, thạc sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết chuột là một trong những loài động vật được nuôi để thí nghiệm, phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Tại đây luôn duy trì nuôi hai loại chuột, là chuột lang và chuột nhắt (chuột bạch).
Trung bình mỗi năm, Trại Chăn nuôi Suối Dầu cung cấp cho kiểm định và thí nghiệm khoảng 7.000 - 8.000 cá thể chuột lang, 70.000 - 80.000 cá thể chuột nhắt.
“Nhìn chung, cuộc sống của chúng rất sung sướng cho tới khi được đưa đi thực hiện “sứ mệnh” cao cả”, ông Minh nói rồi dẫn chúng tôi tham quan nơi ở của chuột.
Bên trong dãy nhà màu vàng là khu vực nuôi chuột lang. Nơi đây chẳng khác gì “khách sạn 5 sao” cho chuột. Mỗi “phòng” được thiết kế đủ cho khoảng 10 chú chuột ăn chơi, chạy nhảy thoải mái và còn có thêm cả sổ nhỏ xinh để nhìn ngắm đất trời với điểm nhấn thú vị là hàng cây dầu cổ thụ bên ngoài.
Chị Ngô Thị Hạnh (32 tuổi) là người chăm sóc chuột nhiều năm trong khu nhà này. Nhiệm vụ của chị là vừa chăm sóc, cung cấp đồ ăn thức uống cho chuột vừa kiêm luôn “nhân viên buồng phòng”.
“Chuột ở đây được sống trong chuồng trại luôn sạch sẽ, được ăn no ngủ say, được theo dõi sức khỏe. “Đứa” nào có biểu hiện ốm yếu là có bác sĩ đến khám và điều trị ngay, “đứa” nào sinh khó cũng có người “đỡ đẻ”. Sướng thế nên “đứa” nào cũng dễ thương”, chị Hạnh vui vẻ nói.
Cuộc sống của chuột nhắt cũng “sang chảnh” không kém. Trong khu nhà rộng lớn, chuột nhắt được bố trí ở trong hàng ngàn ô nhựa, phía dưới trải trấu êm ấm; phía trên có ngăn đựng đồ ăn, nước uống.
Cán bộ thú y Hà Thị Nga cho biết chuột nhắt tuy nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn và hay cắn. Trong quá trình nuôi, chuột đực và chuột cái được nhốt riêng, đến thời kỳ giao phối mới cho ở chung. Mỗi chuột cái trưởng thành có thể sinh sản 5 - 6 lứa mỗi năm, mỗi lứa đẻ từ 8 - 12 con. Khoảng 3 tuần là chuột con sẽ “cai sữa”, chuột mẹ lại có thể "cặp kè" với chuột đực.
Quảng cáoThạc sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết thức ăn của chuột tại Trại chăn nuôi Suối Dầu chủ yếu là thức ăn tinh, do trại sản xuất, có thành phần đủ dinh dưỡng, theo đúng công thức quy định, được làm từ cám, gạo, bắp, bột cá, đậu nành… Ngoài ra, chuột nuôi tại đây còn được ăn bổ sung lúa mầm, cỏ xanh để tăng khả năng sinh sản.
“Hiến thân” cho khoa học
“Không có chuột để thử nghiệm thì không có vắc xin an toàn để sử dụng”, tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, khẳng định và cho biết lý do mà các nhà khoa học “ưu ái” chuột lang và chuột bạch phục vụ thí nghiệm là vì chúng có kích thước nhỏ, dễ nuôi, tốc độ sinh sản nhanh nên dễ nhân giống. Những chú chuột này rất mẫn cảm nên dễ theo dõi, vòng đời ngắn và đặc biệt có hệ gen gần giống con người.
Tại Trại chăn nuôi Suối Dầu, chuột lang nuôi đạt từ 270 - 350 gr (5 - 6 tuần tuổi) hoặc chuột bạch đạt 14 - 22 gr (3 - 4 tuần tuổi) là đủ điều kiện phục vụ thí nghiệm.
Thông thường, các loại chuột được đưa vào kiểm định vắc xin chia làm 2 nhóm: kiểm định độc tính (độ an toàn) và kiểm định hiệu lực (đáp ứng miễn dịch). Bất kỳ loại vắc xin hay loại dược phẩm nào muốn thử nghiệm độ an toàn đều phải nhờ đến chuột.
Những chú chuột nuôi ở Suối Dầu khi đủ tiêu chuẩn theo quy định sẽ được nuôi cách ly 3 ngày rồi mới đưa vào thí nghiệm. Sau quá trình này, chuột được nuôi ở “thiên đường Suối Dầu” cũng chấm dứt “sứ mệnh” của chúng, để góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học, vì sức khỏe và cuộc sống của con người.
Trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu Nguyễn Văn Minh cho biết thêm thời gian qua, IVAC đã đầu tư mua thêm các dòng chuột lang và chuột bạch có nguồn gốc từ Thụy Sĩ, Thái Lan về nuôi, nhằm cải tạo và phát triển đàn cũng như đảm bảo chất lượng nguồn động vật dùng cho kiểm định.
Hiện nay, chỉ tính riêng số nhân viên chuyên làm việc tại các “khu nhà chuột” là 15 người, chủ yếu là nữ. Vào những ngày Tết, các chị vẫn thay phiên nhau đến… thăm nhà chuột.
Năm 1896, nhà bác học A.Yersin thành lập Trại chăn nuôi Suối Dầu tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Trại là cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm lâu đời phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin, huyết thanh cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong kiểm soát một số bệnh nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván…
Trại chăn nuôi Suối Dầu còn là nơi cung cấp nguyên liệu sinh học (trứng gà sạch, huyết thanh ngựa…) dùng cho sản xuất vắc xin cúm cũng như các loại kháng huyết thanh, để chăm sóc sức khỏe cho người dân.