dd/mm/yyyy

Mưu sinh ven biển - Bài cuối: Ngư dân cần trợ lực

Chuyển đổi nghề, tái định cư, định canh… là những giải pháp căn cơ mà chính quyền các cấp trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện thời gian qua, nhằm giúp ngư dân ven biển có cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Dù đã có nhiều nỗ lực, không ngại khổ, không sợ hiểm nguy, thế nhưng đời sống phần lớn người dân ven biển hiện nay đều gặp khó khăn. Chuyển đổi nghề, tái định cư, định canh… là những giải pháp căn cơ mà chính quyền các cấp trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện thời gian qua, nhằm giúp ngư dân ven biển có cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Chuyển đổi nghề

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, song việc chuyển đổi nghề, sắp xếp tái định cư thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Sau 2 năm kể từ khi có được nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi từ te sang lưới rê, gia đình anh Nguyễn Văn Đấu, ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có nhiều đổi khác. Anh Đấu cho biết, giờ đây mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) anh thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước, cuộc sống gia đình dần ổn định.

Anh Đấu là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình lưới rê thí điểm tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời và xã Khánh Hội, huyện U Minh năm 2018. Theo đánh giá của bà con ngư dân, hiệu quả mô hình mang lại khá tốt.

Một mô hình chuyển đổi ngành nghề khác được thí điểm trước đó tại xã Tân Hải, huyện Phú Tân cũng được ngư dân đánh giá khá hiệu quả là lưới rê. Theo đó, ngư dân sử dụng kích thước mắt lưới 80 mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ và các loại cá khác. Qua triển khai hơn 1 năm cho thấy, đây là mô hình khá hiệu quả khi doanh thu trung bình mỗi chuyến biển (sáng đi chiều về) từ 2,5 triệu đồng.

Từ những hiệu quả trên, hiện nay nhiều hộ dân đang có nhu cầu được hỗ trợ vốn để chuyển đổi ngành nghề. Ông Trần Văn Hạnh, ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, kiến nghị, đa phần bà con ven biển rất khó khăn, không đủ khả năng tự chuyển đổi dù rất muốn.

Mưu sinh ven biển - Bài cuối: Ngư dân cần trợ lực  - Ảnh 1.

Nghề lú bát quái của ngư dân ven biển khu vực Đá Bạc.

Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề của ngư dân trong toàn tỉnh rất lớn, nhưng hàng năm nguồn ngân sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề còn hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn. Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi Trương Văn Xệ cho biết, nguồn kinh phí hàng năm toàn xã chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Số tiền này so với nhu cầu của ngư dân hiện nay thì không thấm vào đâu. Do đó, xã chỉ ưu tiên xem xét những hộ đủ tiêu chuẩn là có mô hình sản xuất cụ thể để hỗ trợ.

Để việc chuyển đổi nghề thời gian tới hiệu quả hơn, Chi cục Thuỷ sản đang triển khai mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ. Trong đó, mục tiêu chính là tiến tới cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chia sẻ lợi ích tại khu vực địa lý xác định, bảo vệ được ngư trường để ổn định sinh kế.

Từng bước an cư

Không chỉ có chuyển đổi nghề cho ngư dân mà công tác tái định canh, định cư đã được triển khai nhiều nơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ bố trí được khoảng 3.583 hộ. Trong đó có 2.081 hộ dân di cư tự do, còn lại là hộ vùng thiên tai.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra tiến độ các dự án hộ đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã có ý kiến chỉ đạo kiên quyết về triển khai thực hiện dự án tái định cư khu vực vàm Đá Bạc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đối với công tác tái định cư khi giao nền cho dân phải tiến hành thật công khai, minh bạch theo hình thức bốc số và ưu tiên những hộ chấp hành tốt chủ trương cho bốc số trước. Khu tái định cư làm theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu giao nền cho dân tới đó để người dân ổn định cuộc sống càng sớm càng tốt.

Đối với vấn đề xây dựng các khu tái định cư cho ngư dân ven biển, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung nguồn vốn ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu để đủ điều kiện bố trí dân cư. Công trình nào thật sự cần thiết thì đầu tư trước. Các địa phương tiến hành rà soát thống kê, xây dựng phương án di dời dân, nhất là các hộ dân ven sông, ven biển và các khu vực có thể bị thiệt hại do thiên tai…, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Một trong những giải pháp được xem vô cùng quan trọng để người dân sau khi được tái định cư ổn định cuộc sống là tăng cường đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.

Qua rà soát thống kê, hiện nay toàn tỉnh cần ít nhất 289 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành các khu tái định cư. Tuy nhiên, nguồn vốn này vô cùng khó khăn, cần sự hỗ trợ từ Trung ương.
Song Nguyễn