Mỹ tăng mua loại thủy sản này của Việt Nam, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 15/08/2021 12:15 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2021, Mỹ chi tới 6,14 tỷ USD để mua tôm từ các thị trường. Trong đó, Mỹ tăng nhập khẩu tôm từ hầu hết các thị trường, giảm nhập khẩu tôm từ Trung Quốc. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ nhờ đó tăng đáng kể.
Bình luận 0

Xuất khẩu tôm phục hồi nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm tháng 6/2021 của Việt Nam đạt 44.910 tấn, trị giá 418,2 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với tháng 6/2020. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 190.600 tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù Việt Nam và nhiều quốc gia bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt khi nhu cầu nhập khẩu tôm của nhiều thị trường trên thế giới tăng, đặc biệt ở những thị trường lớn. 

Bên cạnh đó, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) cũng là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Theo cam kết từ các hiệp định, một số chủng loại tôm của Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế theo lộ trình đã cam kết.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính như: Mỹ, EU, Anh, Úc đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. 

Xuất khấu tôm sang Hàn Quốc giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về trị giá, trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý III/2021 sẽ chậm lại do tác động của dịch Covid-19 trong nước. 

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng tác động. 

Tuy nhiên, khi dịch được khống chế thành công, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại do nhu cầu thị trường thế giới ở mức cao và sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định với những ưu đãi về thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực.

Mỹ giảm nhập khẩu loại thủy sản này của Trung Quốc nhưng tăng mua từ Việt Nam - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tăng mạnh, trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm. Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Sản lượng tôm các loại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 392.000 tấn. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 114.300 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 256.800 tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Quý III/2021, Bộ NNPTNT dự báo sản lượng tôm các loại tăng, dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam.

Mỹ, EU tăng mua, xuất khẩu tôm của Việt Nam còn tăng trưởng

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu tôm của hầu hết các nước nhập khẩu lớn trên thế giới trong các tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ nhập khẩu của Trung Quốc, Anh và Hồng Kông giảm.

 Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU tăng khi kinh tế phục hồi nhờ thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, các quy định về đi lại được nới lỏng, dịch vụ ăn uống được mở cửa một phần nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng so với giai đoạn trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Mỹ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,14 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, Mỹ tăng nhập khẩu tôm từ hầu hết các thị trường, trừ nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm. 

Trong đó, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao thứ 2 sau Ecuador, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2020, lên 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,56 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ thứ 4 cho Trung Quốc.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 4,76% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống còn 4,31% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Nhập khẩu tôm của EU trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,81 tỷ USD. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 4 trong số các thị trường cung cấp ngoài khối của EU. 

Nhờ ưu đãi về thuế từ Hiệp định EVFTA, tôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với tôm của Ecuador, Ấn Độ, do đó nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao hơn so với các thị trường cung cấp khác. Tuy nhiên, thị phần tôm Việt Nam mới chỉ chiếm 9% trong tổng nhập khẩu của EU. 

Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 27,65% trong tổng trị giá nhập khẩu của Nhật Bản.

 Tại thị trường Nhật Bản, tôm của Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm của Ấn Độ và Ecuador khi 2 thị trường này đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem