Mỹ và Đồng minh quyết loại Nga ra khỏi SWIFT, thị trường dự chao đảo vào tuần tới
Động thái này của Hoa Kỳ và châu Âu nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga khi các lực lượng của Moscow tiến vào trung tâm Ukraine – thủ đô Kyiv.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch của Ủy ban Châu Âu cho biết: "Vì các lực lượng Nga mở cuộc tấn công vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, chúng tôi quyết tâm khiến Nga phải trả giá. Nga sẽ bị cô lập hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu".
Đồng thời, phương Tây cũng cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương của Nga. Được biết, lệnh cấm sẽ cản trở việc giải quyết các khoản thanh toán xuyên biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như năng lượng của Nga.
Các hành động này nhằm ngăn cản Putin sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương trong cuộc xâm lược Ukraine.
Việc cắt các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT - mạng thanh toán quốc tế chính trên thế giới – sẽ giáng một đòn mạnh vào thương mại Nga và khiến các công ty Nga khó kinh doanh hơn.
Loại Nga ra khỏi SWIFT - Tác động kinh tế lớn đến Nga
SWIFT, hay đầy đủ là "Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng trên toàn thế giới", là một hệ thống nhắn tin an toàn hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới. Hệ thống giúp thương mại quốc tế trôi chảy và trung bình hỗ trợ dòng chảy của hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm trong thương mại quốc tế.
Hệ thống này có trụ sở tại Bỉ - xử lý hàng triệu chỉ thị thanh toán hàng ngày trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 11.000 tổ chức tài chính.
Sau thông báo này, SWIFT cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với nhà chức trách châu Âu để tìm hiểu chi tiết về các thực thể sẽ phải tuân theo các biện pháp mới. Chúng tôi đang chuẩn bị tuân thủ theo chỉ dẫn pháp lý."
Nếu một trong các ngân hàng cắt khỏi SWIFT muốn thanh toán với một ngân hàng bên ngoài Nga, thì có thể họ sẽ phải sử dụng điện thoại hoặc máy fax. Tuy nhiên, gần như hầu hết các ngân hàng trên toàn thế giới sẽ dừng tất cả các giao dịch với các ngân hàng Nga đã bị xóa khỏi mạng lưới.
Mỹ và các đồng minh sẽ hoàn thiện danh sách các ngân hàng sẽ bị cắt khỏi SWIFT. Các ngân hàng đã bị Mỹ và châu Âu trừng phạt sẽ là những ngân hàng đầu tiên được xem xét.
Nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga vẫn có thể thực hiện giao dịch xuyên biên giới, tuy nhiên hoạt động này sẽ tốn kém và khó khăn hơn. Vì vậy, càng nhiều ngân hàng Nga bị Liên minh châu Âu và Mỹ chặn vào thông qua SWIFT, việc kinh doanh với nước ngoài của Nga sẽ càng bị cản trở.
Nghiêm trọng hơn, lệnh cấm tham gia SWIFT sẽ hạn chế nguồn lợi nhuận quốc tế của Nga từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Nguồn thu nhập chiếm hơn 40% doanh thu của nước này.
Loại Nga ra khỏi SWIFT - Phương Tây cũng bị tổn hại
Trong hai làn sóng trừng phạt Nga trước đó, sở dĩ phương Tây chưa áp dụng biện pháp này là vì động thái này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cả hai bên. Biện pháp này ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga, nhưng cũng gây hại cho các lợi ích của phương Tây, nhất là các công ty dầu mỏ lớn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phương Tây có kênh tài chính khác để mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Vì EU nhập khẩu tới 40% khí đốt từ Nga. Ngoài ra còn có vấn đề về việc ngân hàng phương Tây cho Nga vay nợ. Số tiền nợ sẽ khó thu được nếu SWIFT bị ngắt kết nối với Nga.
Ngoài ra, việc sử dụng SWIFT làm vũ khí có thể làm xói mòn hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị. Điều cũng có thể thúc đẩy các lựa chọn thay thế SWIFT đang được phát triển bởi Nga và Trung Quốc. Tất cả có thể làm suy yếu sức mạnh của phương Tây, đặc biệt là đòn bẩy ngoại giao mà các lệnh trừng phạt mang lại.
Với việc nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn thanh toán, giới chuyên gia dự đoán dầu sẽ tăng vọt vào tuần tới. Như khi thực hiện lệnh trừng phạt tương tự trước đó đối với Iran, giá năng lượng toàn cầu đã bị tác động trở lại.
Tuần tới giá dầu thô hoàn toàn có thể một lần nữa vượt qua mốc 140 USD, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu. Thị trường chao đảo và lạm phát tăng có thể khiến vàng và các tài sản trú ẩn khác sẽ lại tăng vọt.
Nhất là khi ngành ngân hàng châu Âu đang phải đối mặt với rủi ro rất lớn do các công ty và tổ chức tài chính Nga nắm giữ một lượng lớn nợ khiến rủi ro gia tăn. Điều trực tiếp đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.