Năm 2020, TP.HCM chờ đón 323.000 việc làm
Sản xuất giày ở Việt Nam - Ảnh: TTO
Nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 25,68%, trung cấp chiếm 21,53%, cao đẳng chiếm 17,99% và đại học trở lên chiếm 19,80%.
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là: kinh doanh - thương mại (chiếm 18,77% so với tổng nhu cầu), dịch vụ - phục vụ (chiếm 12,79%), vận tải - kho bãi (7,11%), điện tử - công nghệ thông tin (6,42%).
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng dưới 6% lao động gồm: dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, kinh doanh tài sản - bất động sản, kế toán - kiểm toán, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn và thấp nhất là tài chính - tín dụng - ngân hàng (chiếm 3,18%).
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết ngay trong quý I năm 2020, nhu cầu khoảng 81.800 chỗ làm việc tập trung ở các ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ phục vụ, thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng, vận tải cao điểm mùa tết.
Trong quý II và III, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu khoảng 78.000 - 80.000 chỗ làm việc và chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề.
Quý IV năm 2020, nhu cầu nhân lực tăng đạt khoảng 82.600 chỗ làm việc để phục vụ các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất vào dịp cuối năm.
Đây cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán năm 2021, nhu cầu nhân lực có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động thời vụ, bán thời gian phục vụ các dịp lễ, tết cổ truyền.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng những điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố trong những năm tới.
Đặc biệt là sẽ phát triển theo xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo 8 nhóm ngành nghề: công nghệ thông tin - điện tử, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thực phẩm, thương mại điện tử, logistics, ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, ngành dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, dệt - may - giày da.
Cụ thể, ngành công nghệ thông tin - điện tử có nhu cầu nhân lực tăng mạnh ở các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web, kỹ sư điện tử, thiết kế vi mạch, kỹ thuật viên điện tử, bảo trì hệ thống điện tử.
Ngành cơ khí - tự động hóa tập trung tuyển dụng ở các vị trí kỹ thuật viên cao cấp, kỹ sư giám sát, điều khiển trung tâm; kỹ sư công nghệ tự động điều khiển các dây chuyền sản xuất tự động, chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Các ngành như công nghệ thực phẩm, nhu cầu nhân lực ở các vị trí như: kỹ sư công nghệ thực phẩm, phân phối sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, chuyên gia hương vị, công nhân sản xuất - chế biến thực phẩm; ngành dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn nhu cầu hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành tour, quản lý nhà hàng, lữ hành quốc tế, tư vấn du lịch; các doanh nghiệp dệt - may - giày da có nhu cầu tuyển dụng thiết kế mẫu, thiết kế khuôn mẫu, kỹ thuật dây chuyền, thợ lành nghề.
Đặc biệt, ngành logistics dự báo cần rất nhiều nhân lực phục vụ chuỗi cung ứng như: nhân viên chứng từ (Docs - Cus), thanh toán quốc tế, thu mua, nhân viên hiện trường/giao nhận (Operations - Ops), nhân viên điều vận đội xe/bãi (co-ordinator), quản lý hàng hóa; ngành thương mại điện tử cũng cần những vị trí marketing supervisor, digital planning manager (quản lý kế hoạch kỹ thuật số), digital Marketing (tiếp thị số), điều phối viên truyền thông; ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm có nhu cầu chuyên viên phát triển mạng lưới, thanh toán quốc tế, kiểm tra dữ liệu, phát triển thị trường, chuyên viên tư vấn đầu tư.
Ngoài ra, các ngành dịch vụ phục vụ, dịch vụ thông tin - tư vấn - chăm sóc khách hàng sẽ tiếp tục thu hút nhân lực; các ngành thu hút nhân lực theo xu hướng phát triển trong những năm tới là giáo dục, y tế, kiến trúc - xây dựng…