2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 1.

Trung Quốc đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế thế giới trong năm 2020 khi được dự báo một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu, bất chấp một sự thực rằng đây là tâm chấn dịch Covid-19 đầu tiên.

Trong khi IMF dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc 4,4% vào năm ngoái và Mỹ cũng không ngoại lệ với mức lao dốc -2,3% GDP; Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế 2,3% ngoạn mục. Nhanh chóng phục hồi từ mức tăng trưởng âm 6,8% trong quý I/2020, khi gần như toàn bộ nền kinh tế đóng cửa vì đại dịch, Bắc Kinh đã báo cáo mức tăng trưởng dương 6,5% trong quý IV/2020. Quy mô nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng lần đầu vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ NDT với thu nhập bình quân đầu người ước tính 31.189 NDT.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 2.

Một điều không thể phủ nhận, chính sách phong tỏa nhiều địa phương, thắt chặt kiểm dịch của chính quyền ông Tập Cận Bình đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc kiểm soát sự bùng phát đại dịch. 

Chính quyền ông Tập Cận Bình tuyên bố kiểm soát thành công dịch bệnh từ tháng 4/2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nhiều quốc gia lớn trên toàn thế giới như Mỹ, các nước châu Âu. Trong khi các nền kinh tế lớn khác vẫn đang vật lộn để kiểm soát đại dịch, Trung Quốc đã vươn mình mạnh mẽ, phát huy thành công lợi thế “công xưởng sản xuất của thế giới”, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc còn được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân tăng vững chắc, chi tiêu chính phủ khổng lồ vào cơ sở hạ tầng cũng như dòng vốn FDI kỷ lục. Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành quốc gia hút vốn FDI lớn nhất thế giới năm 2020 với dòng vốn 163 tỷ USD, tăng mạnh 23 tỷ USD so với năm 2019.

Sự phục hồi vững mạnh của nền kinh tế Trung Quốc được phản ánh trên nhiều phương diện: thị trường lao động mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán sôi sục, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt và đồng NDT tăng giá mạnh mẽ so với đồng USD.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 3.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS chỉ ra rằng trong năm 2020, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra trong khu vực kinh tế đô thị, vượt 131,8% kế hoạch đặt trong toàn năm. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân cả nước khoảng 3,8%, một con số quá thấp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế.

Trên mặt trận thương mại, khi các nền kinh tế khác tê liệt vì đại dịch, Trung Quốc tận dụng lợi thế kiểm soát dịch bệnh sớm đã thúc đẩy xuất khẩu tăng vọt lên 2,6 nghìn tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu thiết bị vật tư y tế. Thị phần xuất khẩu của quốc gia này trên dòng chảy thương mại toàn cầu đạt tới 14,3%. 

Bắc Kinh còn thúc đẩy ký kết thành công nhiều hiệp định có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trọng tâm là khối ASEAN hay Hiệp định đầu tư toàn diện quan trọng với EU (CAI).

Đà phục hồi nóng của kinh tế kéo theo tâm lý tự tin của nhà đầu tư trong nước và sức hút đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do vì sao lượng nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán đạt lục tăng mạnh 18,02 triệu lượt trong năm, nâng tổng số nhà đầu tư lên con số 177,77 triệu, số liệu được cung cấp bởi Trung tâm Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc.

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải cũng vượt mặt NYSE trở thành sàn có số thương vụ IPO đứng đầu thế giới (233 thương vụ). Sàn Thâm Quyến bám đuổi sát nút NYSE, xếp ở vị trí thứ 3. Các chỉ số chứng khoán đại lục đồng thời chứng kiến mức bứt tốc mạnh mẽ trong năm, với chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh hơn cả chỉ số MSCI All-Country World Index toàn cầu. 

Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence tính đến cuối tháng 12/2020 chỉ ra rằng vốn hóa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã nở rộ lên gần 5.000 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường mới nổi hấp dẫn bậc nhất hành tinh. 

img
img

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 5.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 6.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 7.

Thực tế, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng - thị trường tiêu thụ toàn cầu cũng như dòng chảy thương mại thế giới.

Một thống kê mới đây của Moody’s cho thấy nền kinh tế Trung Quốc dự kiến chiếm tỷ trọng lên tới 16,8% GDP toàn cầu trong năm 2020, tăng 1,1% so với tỷ trọng năm 2019 do nước này được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm qua. 

Còn nghiên cứu do Oxford Economics thực hiện thì chỉ ra rằng tính đến tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chiếm tới 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn thế giới, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. 

Khi các chính phủ Mỹ, EU tập trung vào hỗ trợ người tiêu dùng để kích thích nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng vững mạnh ở các thị trường này đã kích thích hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc - vốn được mệnh danh là công xưởng của thế giới. 

Cùng với đó, nhu cầu toàn cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân tăng chóng mặt cũng góp phần lớn thúc đẩy thặng dư thương mại của Trung Quốc. Với quy mô dân số 1,4 tỷ dân và lực lượng dân số trung lưu đông đảo, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng bậc nhất. 

Trung Quốc cũng đang bành trướng quyền lực mềm trên trường quốc tế thông qua nhiều hiệp định thương mại và đầu tư lớn cũng như chính sách ngoại giao vaccine tại hàng loạt quốc gia đang phát triển.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 8.

Những vai trò quan trọng như vậy trong nền kinh tế toàn cầu là lý do Trung Quốc ngày càng hút nhiều vốn đầu tư FDI. Bất chấp đại dịch Covid-19 làm lộ rõ mối nguy cơ tiềm ẩn từ việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến hàng loạt chính phủ như Nhật Bản, Mỹ kêu gọi doanh nghiệp “về nhà”, phần lớn doanh nghiệp vẫn lựa chọn gắn bó với thị trường tỷ dân. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi HSBC Holdings trên 1.100 tập đoàn đa quốc gia cho thấy 75% doanh nghiệp có kế hoạch tăng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong hai năm tới. 

Sau một năm 2020 nhiều điểm sáng, IMF nhận định Trung Quốc bước vào năm 2021 đầy triển vọng với mức tăng trưởng dự báo 8,1%, vượt xa Mỹ với mức tăng trưởng dự báo 5,1%. 

Bên cạnh đó, IMF dự báo Trung Quốc tiếp tục vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất thế giới trong năm 2021. 

Chính Bắc Kinh cũng nhận thức sâu sắc những lợi thế hiện tại. Ít lâu trước đây, tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có trong một thập kỷ”. Theo ông Tập Cận Bình, “tình huống và thời điểm hiện tại” đều đang có lợi cho Trung Quốc. 

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 10.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021

Nhưng nhiều chuyên gia quan sát cảnh báo rằng việc duy trì được mức tăng trưởng như vậy trong dài hạn là thách thức lớn với chính quyền ông Tập Cận Bình, nhất là trong môi trường địa chính trị bất ổn như hiện tại. 

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 11.

Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đẩy xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên cao, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây ngỏ ý tiếp tục kế thừa xu hướng này.

“Tôi sẽ không làm theo cách của Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế mang tính đa phương… Chúng tôi không cần khơi mào xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt (với Trung Quốc)” - Tổng thống Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 7/2 (giờ Mỹ).

Tuần trước, ông Joe Biden cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh Mỹ tại châu Á và châu Âu trong nỗ lực gây sức ép chống lại Bắc Kinh. 

“Chúng tôi sẽ chống lại sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi muốn duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ”. Không chỉ Biden, nhiều quan chức trong chính quyền Tân Tổng thống cũng thể hiện quan điểm tương tự. 

Mới nhất, Tân Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận trước các nhà lập pháp quốc hội rằng cựu Tổng thống Trump “đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Điều đó nghĩa là Bắc Kinh không thể kỳ vọng một mối quan hệ Mỹ - Trung êm đẹp trở lại trong 4 năm sắp tới, dưới nhiệm kỳ Biden.

Ngay cả trước thương chiến Mỹ Trung, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần mà nguyên nhân được các nhà phân tích cho rằng bắt nguồn từ xu hướng già hoá dân số quá nhanh chóng của quốc gia này. 

Năm 2019, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo dân số nước này sẽ chứng kiến mức sụt giảm không thể ngừng lại kể từ thập kỷ tiếp theo do tỷ lệ sinh quá thấp. Dự đoán đến năm 2065, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 1,17 tỷ người, trong đó người già chiếm một tỷ lệ lớn. 

Điều này làm giảm mạnh lực lượng lao động, khiến chi phí lao động tại Trung Quốc tăng vọt, đe doạ vai trò công xưởng sản xuất của thế giới cũng như sức mạnh thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, gánh nặng lương hưu và an sinh xã hội cũng trở thành áp lực lớn với quốc gia.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 12.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc từ trước thương chiến Mỹ Trung

Rõ ràng năm 2021 là một năm đầy quan trọng và thử thách với chính quyền ông Tập Cận Bình. Không chỉ để định hình vị thế của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hậu đại dịch, mà còn để củng cố vai trò và quyền lực chính trị trong nước trước thềm Đại hội Đảng sắp diễn ra vào cuối năm 2022.

2021: Phép thử định hình vị thế kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch - Ảnh 13.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem