'Kế sách' mới của ông Tập có thể đưa kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 1 thập kỷ

26/10/2020 15:14 GMT+7
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đã mở một cuộc thảo luận để vạch ra giai đoạn phát triển tiếp theo cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động thái diễn ra chỉ ít ngày trước khi cuộc bầu cử Mỹ đi đến hồi kết và Tổng thống Trump đối diện nhiều bất lợi.
Ông Tập bàn 'kế sách' mới đưa kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 1 thập kỷ - Ảnh 1.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng trong năm 2020

Các tính toán của Bloomberg dựa trên cơ sở dữ liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho thấy Trung Quốc có khả năng cao trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo. Hiện quốc gia Đông Á này là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng trong năm nay, khi các quốc gia khác vật lộn với suy thoái sâu vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mà Trung Quốc đang thảo luận gần đây dự kiến sẽ tập trung vào 3 trọng tâm là đổi mới công nghệ, tự lực hóa nền kinh tế và phát triển bền vững. Theo nguồn tin của Bloomberg, ông Tập được cho là đã đặt ra tham vọng giành vị trí dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ và một số ngành chiến lược khác trong tương lai.

Bloomberg nhận định nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giữ được đà phục hồi và tăng trưởng sau dịch Covid-19 như những năm gần đây, chiến lược của Bắc Kinh sẽ sớm đưa quốc gia này vượt qua Mỹ trong vòng 1 thập kỷ tới. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong bối cảnh hiện tại là cơ sở khiến Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Bắc Kinh đẩy nhanh chiến lược tự lực kinh tế nhằm bảo vệ Trung Quốc khỏi những biến động trên toàn cầu.

Fred Hu, người sáng lập quỹ đầu tư Primavera Capital Ltd. (Bắc Kinh) nhận định: “Đường lối này phản ánh sự đánh giá lại của Trung Quốc về tình hình toàn cầu hiện tại dựa trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực. Tự lực kinh tế bao gồm phát triển năng lực một số ngành công nghiệp trọng điểm thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển - một phản ứng thận trọng và cần thiết trước môi trường bất ổn bên ngoài”.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa Bắc Kinh sẽ đi ngược lại chính sách mở cửa. Ông Tập gần đây khẳng định Trung Quốc sẽ thúc đẩy mở cửa hơn nữa trên thị trường tài chính nhằm thu hút mạnh nguồn vốn nước ngoài. Nhưng việc Bắc Kinh đặt mục tiêu tự lực kinh tế nhiều khả năng sẽ thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ và các cường quốc thương mại khác đi xuống.

Ông Tập bàn 'kế sách' mới đưa kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ trong 1 thập kỷ - Ảnh 3.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng đại dịch, với tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9%

Trước đó, sáng kiến 'Made in China 2025' của Bắc Kinh tập trung thúc đẩy phát triển 10 ngành công nghiệp công nghệ cao quan trọng đã làm dấy lên sự bất an của châu Âu và sự chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ. Trước mối đe dọa cạnh tranh ngày càng tăng từ Bắc Kinh, ngày càng nhiều chính phủ từ Washington đến Canberra đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận những ngành công nghệ cao chiến lược. Ông Chen Zhiwu, giám đốc Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hồng Kông nhận định 'Made in China 2025' đã mang đến rắc rối lớn cho Trung Quốc khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ. Do đó, bất kỳ kế hoạch mới nào mà Bắc Kinh đưa ra sẽ “ít rõ ràng hơn, tập trung vào các hướng dẫn chung chung và mơ hồ thay vì đi vào chi tiết”. Nhưng nhìn chung, xuyên suốt trọng tâm chính sách vẫn sẽ là vấn đề tự lực kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia Bloomberg chỉ ra một mối đe dọa lớn với nền kinh tế Trung Quốc là việc càng ngày càng nhiều quốc gia coi doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh. Nhiều công ty toàn cầu đang xem xét dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng đại dịch phơi bày rủi ro từ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường tỷ dân. 

Một nỗ lực phối hợp của các chính phủ châu Âu, Nhật Bản và nhiều đồng minh Mỹ trên toàn cầu có thể đẩy Trung Quốc vào con đường bị cô lập, tờ Bloomberg cho hay.

Theo ông Fred Hu, sự thận trọng của các chính phủ nước ngoài sẽ tác động đáng kể đến dòng vốn đầu tư từ Mỹ, Anh hay Úc vào Mỹ vào Trung Quốc hay dòng vốn từ Trung Quốc ra nước ngoài, đặc biệt là xoay quanh dự án Vành đai và Con đường.

NTTD
Cùng chuyên mục