Thêm một lĩnh vực kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong năm 2020

25/01/2021 12:20 GMT+7
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục vượt mặt Mỹ trên mặt trận thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong năm 2020.

Theo một báo cáo được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển hôm 24/1, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất thế giới với 163 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020. Trong khi đó, Mỹ - vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trong phần lớn thời gian của năm - chỉ thu về 134 tỷ USD vốn FDI.

Năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, Mỹ nhận được 251 tỷ USD vốn FDI, bỏ xa Trung Quốc với 140 tỷ USD. Năm 2020, đầu tư FDI vào Mỹ giảm mạnh 49%.

Thêm một lĩnh vực kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong năm 2020 - Ảnh 1.

Thêm một lĩnh vực kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ trong năm 2020

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, dù Trung Quốc vượt Mỹ về dòng vốn FDI năm 2020 nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Mỹ đến nay vẫn lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng dòng đầu tư FDI toàn cầu vào nền kinh tế Trung Quốc đã tăng đột biến khi phần còn lại của thế giới bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch.

Nhìn chung trên toàn cầu, vốn FDI đã giảm mạnh 42% xuống còn 859 tỷ USD trong năm 2020. Mức giảm này mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt lao dốc 30% mà kinh tế thế giới từng chứng kiến hồi khủng hoảng tài chính 2009.  

Bình quân FDI giảm 69% tại các nước phát triển, trong khi FDI vào các nước đang phát triển chỉ giảm ở mức vừa phải 12%. Trung Quốc là điểm sáng nổi bật của kinh tế toàn cầu khi ghi nhận mức tăng FDI 4% trong năm 2020.

Báo cáo cũng cho thấy dòng vốn FDI vào EU giảm mạnh 67% trong khi vương quốc Anh gần như không ghi nhận dòng vốn mới. Anh là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Mặc dù là quốc gia đầu tiên ghi nhận sự bùng phát đại dịch, Trung Quốc đã sớm kiểm soát thành công các ổ dịch từ tháng 4/2020 và thúc đẩy kinh tế phục hồi ngay trong quý II cùng năm, sau thời điểm mở cửa trở lại Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt… đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tỷ lệ tử vong ở mức tương đối thấp. 

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, kể từ thời điểm đầu đại dịch bùng phát đến nay, Trung Quốc ghi nhận ít hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19 và khoảng 4.800 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Mỹ dù có dân số nhỏ hơn nhiều nhưng ghi nhận tới gần 25 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 400.000 trường hợp tử vong.

Tuần trước, Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,3%, là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương trong cùng kỳ. Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP -3,6% trong khi EU dự báo tăng trưởng -7,4% và kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng -4,3%. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU (số liệu tính đến hết tháng 11/2020). 

Hồi tháng 11/2020, Trung Quốc cũng ký thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 14 quốc gia châu Á khác, trọng tâm là 10 quốc gia trong khối ASEAN. Sau đó một tháng, Bắc Kinh tung ra các nhượng bộ bất ngờ để phá vỡ thế bế tắc, đàm phán thành công hiệp định đầu tư với EU ngay trước khi Biden nhậm chức Tân Tổng thống Mỹ. 

Trên trường quốc tế, các quan chức Trung Quốc đang tăng cường tuyên truyền về khả năng phục hồi kinh tế và ổn định chính trị nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau sự bùng phát đại dịch hồi năm 2020. Điều này tương phản trầm trọng với những rối loạn của nền dân chủ ở Mỹ. Thực tế là Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 từ rất sớm, trong khi Mỹ hiện vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh tiếp theo.


NTTD
Cùng chuyên mục