Năm 2021: Tiền đồng mạnh lên có thể là một con dao hai lưỡi?
Tiền đồng mạnh lên trong năm 2021?
Các chuyên gia tại VNDirect chỉ ra rằng, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2021 do Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cụ thể, trong cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ diễn ra hồi tháng 9/2020, Fed đã thông báo sẽ giữ lãi suất điều hành ở mức gần 0% cho đến ít nhất là năm 2023 và cho biết sẽ chấp nhận các giai đoạn có lạm phát cao để tập trung vào hỗ trợ nền kinh tế và phục hồi thị trường lao động.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ được dự báo tiếp tục mạnh lên trong năm 2021 dựa trên những yếu tố như nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi nhanh và tăng trưởng vượt trội so với các nền kinh tế phát triển trong năm 2021 và thặng dư cán cân thanh toán tiếp tục được nới rộng. IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng tới 8,2% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Tại thị trường trong nước, hai yếu tố có tác động tích cực cao tới tỷ giá năm 2021.
Thứ nhất, dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021.Trong khi đó, áp lực lạm phát được dự báo giảm trong năm 2021. Những yếu tố đó sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng.
Hai là, cán cân thanh toán được dự báo tiếp tục thặng dư trong năm 2021 trong bối cảnh thương mại quốc tế phục hồi trong năm 2021. Bên cạnh đó thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục được nới rộng, dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng lên. Những điều này sẽ củng cố sức mạnh của tiền đồng.
"Do nhận thấy nhiều rủi ro tăng giá đối với đồng VND, chúng tôi đưa ra dự phóng VND sẽ dao động trong biên độ +/-0,5% so với đồng USD trong năm 2021", báo cáo của VnDirect đánh giá.
Tiền đồng mạnh lên có thể là một con dao hai lưỡi
Về dự báo tăng giá của tiền đồng, VNDirect nhận thấy một số tác động tích cực của tiền đồng mạnh lên như kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài và giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ.
VNDirect phân tích, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm chậm lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 10 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn FDI giảm 2,5% so với cùng kỳ xuống 15,8 tỷ USD, tổng vốn FDI đăng ký giảm 19,4% so với cùng kỳ xuống 23,5 tỷ USD. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn bán ròng 560 triệu USD (cổ phiếu) trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể gia tăng trong năm tới trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu tích cực hơn trong năm 2021 và Việt Nam vẫn duy trì những lợi thế: triển vọng tăng trưởng khả quan trong năm 2021 (dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 đạt 7,1%); khả năng phòng chống Covid-19 hiệu quả được thế giới công nhận và đánh giá cao và xu hướng dịch chuyển đơn hàng và nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do chiến tranh thương mại cũng như do nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 .
Do đó, sự ổn định và tiền đồng mạnh lên so với USD có thể củng cố xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo vốn FDI giải ngân trong năm 2021 có thể tăng 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai là, tiền đồng mạnh lên so với USD sẽ giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài.
Trên thực tế, sự biến động của tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến nợ công cũng như tình hình quản lý nợ công mà cụ thể là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Sự mạnh lên của tiền đồng có thể làm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài cũng như giảm chỉ tiêu nợ công/GDP.
Cụ thể, tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP được dự báo ở mức 47,9% vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Việt Nam dự kiến dùng 5 tỷ USD để chi trả tiền lãi, nợ vay và vốn vay ưu đãi ODA (tương đương khoảng 2% GDP danh nghĩa năm 2019.
Một tác động tích cực không thể không kể đến từ việc tiền đồng mạnh lên so với USD trong năm 2021 đó là, có thể làm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Đây chính là một trong những yếu tố Việt Nam bị Mỹ xác định thao túng tiền tệ trong báo cáo phát hành ngày 16/12 vừa qua. Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt kỷ lục 50,7 tỷ USD, vượt qua mức thặng dư 47 tỷ USD của cả năm 2019.
Ở khía cạnh tiêu cực, việc tiền đồng mạnh lên có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, khoáng sản thô và hàng hóa chưa qua chế biến.
Trên thực tế, những tác động tiêu cực này có thể được giảm bớt nhờ sự tăng giá của đồng NDT trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của tiền đồng sẽ làm giá các mặt hàng nhập khẩu trở nên hấp dẫn hơn, qua đó kích thích người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng nhập khẩu nhiều hơn và làm thu hẹp thặng dư thương mại.
Tuy vậy, tác động của việc tiền đồng mạnh lên đến nhập khẩu là nhỏ trong bối cảnh những đồng bản tệ của các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như đồng NDT, EUR, KWD (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan) và JPY (Nhật Bản) cũng đang tăng giá so với đồng USD.
Do đó, chỉ những hàng hóa xuất khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia mới được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của đồng VND do đồng bản tệ của những nước này đang mất giá mạnh so với đồng USD.