Tỷ giá USD/VND ổn định khi USD thế giới “dập dìu” lên xuống, vì sao?
Ngày 29/8 – phiên giao dịch cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.205 VND/USD, mức giá này chỉ tăng 0,25% so với thời điểm hồi đầu năm.
Đặc biệt, xét từ đầu năm đến nay, độ biến động của tỷ giá này đều không mạnh, cao nhất chỉ lên tới 23.272 VND/USD vào khoảng cuối tháng 4.
Chính vì mức độ biến động không lớn của tỷ giá trung tâm, nên tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do và các ngân hàng thương mại trong nước đều khá ổn định. Trong 8 tháng qua, chỉ một vài phiên hồi tháng 3, 5, 6 là có biến động tăng giảm mạnh, còn lại hầu như đi ngang.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số đồng DXY đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt lại có biến động khá mạnh, xuống những mức thấp nhất kể từ năm 2018 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, suy thoái kinh tế cũng như giới đầu tư chuyển dòng tiền sang vàng, chứng khoán…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá ổn định do được hỗ trợ khi Việt Nam đang xuất siêu 8,4 tỷ USD trong khi tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 10,12 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.
Đồng quan điểm, báo cáo vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, tỷ giá của Việt Nam chịu ít rủi ro từ bên ngoài do các nền kinh tế lớn duy trì nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
VnDirect dự báo Việt Nam sẽ duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức khoảng 2,6% GDP trong năm 2020. Điều này cộng với việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây (dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức 84 tỷ USD vào cuối quý I, theo NHNN), đã góp phần ổn định tỷ giá.
Do đó, các chuyên gia của VnDirect cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong phạm vi tương đối hẹp là khoảng 23.300-23.500 VND/USD trong những tháng còn lại của năm 2020.
Giới phân tích cũng đưa ra dự báo, ít nhất trong các tháng còn lại của năm nay, có thể dự đoán rằng các vấn đề nội tại của hệ thống y tế của Mỹ và bản chất phục vụ vì lợi nhuận của nó sẽ tiếp tục cản trở nước Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo đó sẽ là những hậu quả kéo dài như lạm phát thấp và thất nghiệp cao, buộc Fed phải luôn trong trạng thái bơm thêm tiền cho nền kinh tế và các chương trình cứu trợ của Chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với trạng thái ngân sách lành mạnh và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế trơn tru đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của đồng bản tệ của mình, kích thích nhà đầu tư tiếp tục rời bỏ USD, du trì tình trạng suy yếu của USD so với nhiều bản tệ khác.
Trong bối cảnh và triển vọng như vậy, nếu NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng như hiện nay thì hầu như chắc chắn là tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định ở quanh mức chốt chặn dưới của NHNN.
Dự báo về năm 2021, theo nhiều chuyên gia, đồng USD sẽ vẫn yếu do Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng.
Vì thế, rủi ro đối với tỷ giá Việt Nam trong năm 2021 sẽ không lớn, VND chỉ mất giá nhẹ trong khoảng 0,5-1,5% so với đồng USD nhằm cân bằng giữa mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ xuất khẩu.