dd/mm/yyyy

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thông báo thu hồi kiểu "đánh úp" người dân (Bài 2)

Khi những người ngư dân ở Nghĩa Hưng (Nam Định) đang cần mẫn vào giống thả nuôi tôm, cá ở Cồn Xanh sau mấy năm thất bát vì dịch Covid-19, thì đùng một cái, họ nhận được văn bản về việc dừng thả nuôi và cứ thế mà... ra đi: Không đền bù, không thương lượng, không hỗ trợ để nhường chỗ cho dự án nhà máy cán thép 431ha.

Lạ lùng văn bản hướng dẫn thu hồi không đền bù của Sở Tài chính tỉnh Nam Định, người dân chỉ việc... đi

Sau hơn 20 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhiều bà con làm ăn ở khu vực Cồn Xanh đã kiến thiết lên được các ao nuôi thủy sản kiên cố với môi trường trong sạch khó nơi nào có được. Từng ao nuôi thả thủy sản được người dân đắp bờ ngăn cách với hệ thống cống lấy nước vào và tiêu nước ra cố định nhằm làm sạch môi trường trong ao.

Theo các hộ dân ở đây, tổng diện tích toàn khu vực Cồn Xanh rộng khoảng 800ha, khu vực này vốn trước đây được Bộ NNPTNT đầu tư cho hệ thống thủy lợi với 2 dòng sông nhân tạo, một dòng sông dẫn nước từ biển vào và một dòng sông thoát nước ra, cùng hệ thống bở vùng, bờ thửa chính.

Khi chúng tôi về đây, hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm, thuộc huyện Nghĩa Hưng, Nam Định (gọi tắt là khu Cồn Xanh) đang rơi vào tình cảnh "dở khóc, dở cười" bởi UBND tỉnh Nam Định ra thông báo thu hồi toàn bộ khu vực đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh để phát triển dự án gang thép. Nhiều hộ có nguy cơ phá sản, tái nghèo, khi đầu tư ra hàng chục tỷ đồng nhưng chưa kịp thu hồi vốn.

Không chỉ vậy, điều làm hàng trăm hộ dân nơi đây bức xúc là việc mới đây Sở Tài chính tỉnh Nam Định còn có văn bản hướng dẫn về việc thu hồi mà không đền bù, hỗ trợ đối với những diện tích đất thu hồi của các hộ nuôi trồng thủy sản đã hết hạn hợp đồng, khiến những hộ dân nơi đây càng bức xúc.

Theo ông Nguyễn Cao Cương- người dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh, hiện hàng trăm hộ dân nuôi thủy sản khu vực Cồn Xanh rất lo lắng trước việc ngày 19/01/2022, Sở Tài chính tỉnh Nam Định ban hành văn bản số 133/STC-QLG về việc chính sách bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB- PV) đối với các hộ gia đình, cá nhân thuê đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng. Theo văn bản này, những hộ đã hết thời hạn thuê đất sẽ không được hỗ trợ, bồi thường cây trồng vật nuôi khi GPMB.

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thu hồi không đền bù, hàng trăm hộ dân phản đối - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cao Cương- người dân nuôi trồng thủy hải sản khu vực Cồn Xanh cho biết, hàng trăm hộ dân khu vực Cồn Xanh bức xúc trước việc đầu tư nhiều tỷ đồng vào nuôi tôm cá, cải tạo đầm, ao, nhưng lại không được nhận đền bù. Ảnh: NC

Cụ thể, theo văn bản nói trên, UBND huyện Nghĩa Hưng đã đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định hỗ trợ các hộ dân đã hết hạn thuê đất bằng 70% mức bồi thường, hỗ trợ đối với các hợp đồng còn thời hạn, dựa theo đơn giá và phương pháp tính đơn giá bồi thường cây trồng vật nuôi khi thực hiện GPMB xây dựng KCN dệt may Rạng Đông.

Tuy nhiên, Sở Tài chính Nam Định đã bác đề xuất này. Bởi, theo Sở Tài chính tỉnh Nam Định, đơn giá bồi thường cây trồng vật nuôi khi thực hiện GPMB xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông được xây dựng trên kết quả khảo sát thực tế tình hình nuôi trồng thủy sản khu vực Đông Nam Điền tại thời điểm năm 2015. Do vậy, đơn giá này không còn phù hợp với thực tế nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại khu vực Cồn Xanh…

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thông báo thu hồi theo kiểu "đánh úp" người dân (Bài 2) - Ảnh 3.

Công văn của Sở Tài chính tỉnh Nam Định hướng dẫn không đền bù, hỗ trợ cho người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh.

Cũng theo Sở Tài chính Nam Định, đối với mức hỗ trợ cho các hộ dân hết thời hạn thuê đất, UBND huyện Nghĩa Hưng không nêu rõ căn cứ pháp lý, phương pháp tính để xác định mức hỗ trợ là 70%, nên những đề xuất này không đảm bảo tính pháp lý và không phù hợp với tình hình thực tế.

"Đề nghị UBND huyện Nghĩa Hưng rà soát lại hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại khu vực Cồn Xanh. Đối với các hộ dân đã hết hạn hợp đồng thuê đất, đề nghị UBND huyện Nghĩa Hưng tổ chức thanh lý hợp đồng và không thực hiện bồi thường đối với các hộ dân này. Trong trường hợp UBND huyện đề xuất hỗ trợ đối với các hộ dân đã hết hạn hợp đồng, đề nghị UBND huyện có giải trình rõ về căn cứ pháp lý và phương pháp tính khi xác định mức hỗ trợ…", văn bản Sở Tài chính Nam Định nêu.

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thông báo thu hồi theo kiểu "đánh úp" người dân (Bài 2) - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Túc ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng năm nay đã 79 tuổi, cả đời gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, đã có mấy chục năm ra bờ biển khai khẩn khu nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh khi nói về việc tỉnh Nam Định có chủ trương xóa bỏ khu nuôi trồng thủy sản này, ông đã không giấu được sự tiếc nuối vừa nói vừa như muốn khóc. Ảnh: NC

Nguồn gốc đất từ đâu mà không đền bù cho dân?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại khu vực Cồn Xanh có 3 dạng đất nuôi trồng thủy sản chính, đó là: Đất do UBND huyện cấp đất theo dạng trang trại với tổng số diện tích khoảng 100ha; đất đấu thầu có thời hạn sử dụng 10 năm (đến năm 2019, một số hộ dân được ký đấu thầu tiếp với thời hạn 5 năm đến 2024) là khoảng 350ha; đất tự khai hoang, nuôi trồng thủy sản khoảng trên 30 năm (sau đó được UBND huyện Nghĩa Hưng cho nhận thầu khoảng 400ha).

Nói về quá trình hình thành lên khu nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh, ông Lê Văn Toản ở xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng)- một hộ dân có 2ha ao nuôi thủy sản ở đây cho biết: "Khu vực Cồn Xanh là vùng đất có điều kiện tự nhiên và tiềm năng trong lĩnh vực thủy sản. Để có được vùng nuôi trồng như ngày hôm nay, từ những năm 1980, thế hệ ông, cha chúng tôi đã phải bỏ rất nhiều công sức khai hoang lấn biển, làm đê, đắp bồi".

Tới năm 1991, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế có thời hạn với UBND huyện Nghĩa Hưng để đấu thầu dưới hình thức tự bỏ vốn, khoanh vùng đắp đầm tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1991 đến 1996, thời hạn thực hiện là 5 năm; sau đó giảm xuống còn 3 năm (từ năm 1997 - 1999); từ năm 2000 - 2009, thời hạn ký hợp đồng chỉ còn 1 năm. Việc người dân mở rộng nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa Hưng đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động từ dịch vụ nghề cá.

"Để có được những ao nuôi trồng thủy sản này, chúng tôi đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc để gây dựng lên, chưa kể các khu nhà cấp 4 để trông coi tài sản. Ngoài tiền hỗ trợ của huyện để đắp bờ, chúng tôi cũng phải bỏ rất nhiều tiền ra để tự khai khẩn, đắp bờ và hàng năm vẫn nộp thuế, phí đầy đủ cho huyện, xã"- ông Toản trình bày tiếp.

Vẫn theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đến năm 2010, huyện Nghĩa Hưng đã có quy hoạch vùng bãi bồi ven biển tây Nam Điền, khuyến khích các hộ dân ở đây tiếp tục phục hóa cải tạo Cồn Xanh thành vùng đất nuôi trồng thủy hải sản. Năm 2013, các hộ dân đã bỏ thêm nhiều tiền của đắp đường, đắp bờ và kéo đường điện ba pha về từng ao đầm và bỏ công sức dọn dẹp cây cối, sú vẹt.

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Công ty Điện lực Nam Định đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp trên 20km đường dây trung hạ thế nhằm tập trung phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Từ đất bãi bồi ngổn ngang bị ngập mặn, chua phèn, bà con đã cải tạo, đào đắp thành ao đầm màu mỡ để nuôi trồng thủy sản. Chính từ thời điểm này, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức đấu thầu, ký Hợp đồng cho thuê đất có thu thuế đối với những người dân canh tác tại khu đất Cồn Xanh cho các hộ dân.

Kể từ thời điểm đó (từ 2011 đến nay), bà con luôn cố gắng duy trì hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước dù thời tiết bão gió, xảy ra thiên tai dịch bệnh. "Là vùng đất bồi, nơi trũng, nơi cao, chất đất không đồng nhất, môi trường, thổ nhưỡng chưa được thuần hóa nên khi giao khu vực quy hoạch cho các hộ nuôi, Phòng NN&PTNT huyện còn phải tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các hộ nuôi trồng"- ông Nguyễn Văn Lộc- một hộ dân làm nghề nuôi cá mú và cá bống bớp ở đây cho biết.

Đến năm 2014, hàng trăm hộ đã được cấp "Giấy chứng nhận kinh tế trang trại". Theo đó, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xác nhận việc những người dân ở đây đạt đủ tiêu chí trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời,UBND huyện cũng đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, tập trung phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Mới đây nhất, vào năm 2018, HĐND tỉnh Nam Định đã thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh Nam Định cũng ban hành Quyết định số 2896/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định việc khuyến khích tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản; ưu tiên bố trí mặt bằng cho việc xây dựng các cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế và chế biến ở các địa phương có lợi thế nguồn nguyên liệu như huyện Nghĩa Hưng. Vậy nhưng không hiểu, dựa vào đâu mà Sở Tài chính tỉnh Nam Định lại có công văn hướng dẫn thu hồi không đền bù đối với khu nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng này.

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thông báo thu hồi theo kiểu "đánh úp" người dân (Bài 2) - Ảnh 5.

Những ngày gần đây, các hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh đứng ngồi không yên, rất lo lắng về tương lai của khu vực này, cũng như rồi đây, biết dựa vào đâu mà sống. Con cháu sẽ ăn học ra sao. Ảnh: NC

Ra thông báo chậm trễ, dân lĩnh đủ

Bên cạnh chủ trương không hỗ trợ GPMB đối với những hộ dân đã hết hợp đồng ở khu vực Cồn Xanh, điều làm người dân nơi đây bức xúc là việc UBND huyện Nghĩa Hưng ra thông báo yêu cầu các hộ chăn nuôi thủy sản khu vực Cồn Xanh không xuống giống mới từ tháng 9/2021 chậm trễ, khiến nhiều hộ gia đình xuống giống trước đó thiệt hại nặng nề.

Theo bà Đỗ Thị Khuyên (SN 1968)- người dân nuôi cá mú khu vực Cồn Xanh, tháng 4/2021, gia đình bà đầu tư hàng trăm triệu đồng thả hơn 1 vạn cá mú giống xuống diện tích 3,5ha ao đầm. Khi quá trình nuôi thả đang diễn ra suôn sẻ, tháng 9/2021, UBND huyện Nghĩa Hưng bỗng ra thông báo yêu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản khu Cồn Xanh không được xuống giống mới; đồng thời, yêu cầu chính quyền các xã dừng ký hợp đồng với những hộ đã hết hạn khiến những hộ nuôi thủy sản như gia đình bà Khuyên rơi vào tình cảnh lao đao.

"Trong ao nhà tôi vẫn còn hàng chục tấn cá mú trưởng thành chưa bán hết, cộng với việc phải mất 3- 4 năm cá mú mới cho thu hoạch, thu hồi thế này thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế rất lớn đối với gia đình tôi, mà vốn của tôi toàn phải đi vay ngân hàng"- bà Khuyên bức xúc nói.

Nam Định muốn xóa sổ khu nuôi trồng thủy sản 431ha Cồn Xanh: Thu hồi không đền bù, hàng trăm hộ dân phản đối - Ảnh 2.

Theo những hộ nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) việc các cơ quan chính quyền địa phương ở Nam Định ra thông báo ngừng xuống giống muộn đã đẩy hàng trăm hộ gia đình vào tình cảnh éo le, khi họ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thả cá, tôm giống xuống ao. Ảnh: NC

Bà Khuyên cho biết: "Để đầu tư vào 3,5ha nuôi cá mú, gia đình tôi đã chi khoảng 4 tỷ đồng. Đây là số tiền vay mượn do cầm cố nhà cửa, đất đai mà có. Đến nay, chủ trương thu hồi, hỗ trợ, GPMB chưa rõ UBND tỉnh Nam Định quyết định ra sao, nhưng trước chủ trương trong văn bản số 133/STC-QLG về việc chính sách bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân thuê đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng của Sở Tài chính Nam Định, nhà tôi sẽ không được hỗ trợ GPMB. Làm thế khác nào chúng tôi mất trắng".

"Nguyện vọng, mong muốn lớn nhất của người dân nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh là được chính quyền địa phương tiếp tục ký hợp đồng, cho nuôi trồng thủy hải sản. Bởi, nếu bỏ nghề, hàng trăm hộ gia đình không biết bấu víu vào đâu"- anh Sơn cho biết.

Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề trước thông báo yêu cầu ngừng xuống giống mới của UBND huyện Nghĩa Hưng, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1976, người dân khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)- anh và các anh em trong gia đình đang có 11ha ao đầm nuôi cá bống bớp giống chưa biết làm cách gì để bán hơn 200 vạn cá bống bớp giống trong ao.

"Việc UBND huyện Nghĩa Hưng thông báo đột xuất, yêu cầu bà con dừng nuôi thả cá từ tháng 9/2021, khiến gia đình tôi tổn thất nặng nề. Đúng ra, chính quyền địa phương phải có kế hoạch, thông báo sớm hơn cho những hộ sản xuất giống, rồi những hộ nuôi thủy sản biết. Nếu biết, tôi đã không vay mượn để đầu tư vào khu nuôi cá bống bớp giống. Đằng này, thông báo đột xuất khi người ta đã sản xuất rồi thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Tôi chưa biết phải xử lý thế nào đối với hơn 200 vạn cá bống bớp giống này. Bởi, cả nước chỉ có khu vực Cồn Xanh là nuôi thả giống cá bống bớp. Ước tính gia đình tôi thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng tiền cá giống. Số tiền này ai sẽ là người hỗ trợ cho tôi!?", anh Sơn nói.

Còn nữa

Đỗ Lực - Nguyễn Tiến