"Nền kinh tế Nga đang phát triển quá nóng"
“Nếu tiếp tục tăng chi tiêu, chúng ta sẽ được gì? Nền kinh tế đang phát triển quá nóng” - Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.
Lạm phát giá tiêu dùng của Nga đã tăng trở lại trong tháng 5 từ mức tăng 5,5% trong tháng 4. Đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng trả lời trên tờ CNBC rằng lạm phát ở Nga đang tăng nhanh. Không như những quốc gia khác, lạm phát ở Nga không phải là vấn đề tạm thời khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
“Trong trường hợp đất nước chúng tôi, nó rất khác. Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát ở Nga không phải yếu tố tạm thời hay nhất thời, mà mang tính chất dai dẳng hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ hướng về lập trường trung lập” - bà Elvira Nabiullina nhấn mạnh.
Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp tới đây của Ngân hàng Trung ương Nga vào ngày 11/6. Suy đoán ngày càng tăng rằng Nga có thể tăng lãi suất cơ bản khoảng 0,5% tờ mức hiện tại là 5% trong một động thái đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại nhằm kiềm chế đà lạm phát. Mức lạm phát mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nga đặt ra là 4%.
Thống đốc Nabiullina cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ phân tích tất cả các yếu tố, bao gồm cả dự báo lạm phát và tình hình nền kinh tế để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, bà nhận định vẫn “nhận thấy rủi ro khi kỳ vọng lạm phát tăng cao trong vài tháng tiếp theo”.
Hôm 2/6, Ngân hàng Trung ương Nga đã phát hành một bản tin dự báo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II và tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể khôi phục về mức trước đại dịch ngay giữa năm nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng lưu ý rằng “tăng trưởng kinh tế vẫn không đồng đều khi các ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu, các ngành công nghiệp trung gian và lĩnh vực dịch vụ phục hồi với tốc độ nhanh hơn trong những tháng gần đây”. Ngoài ra, vẫn còn nguy cơ lớn do sự bất ổn về hệ quả từ cuộc khủng hoảng đại dịch trong trung và dài hạn.
Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov thì nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất mà nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt hậu đại dịch là “những thay đổi mạnh mẽ về mặt cơ cấu”. Chẳng hạn như làn sóng lạm phát đang tấn công nền kinh tế thế giới khi giá tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu tăng chưa từng có. “Tôi tin rằng đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đang suy yếu như thị trường quan ngại, mà còn là minh chứng cho những thay đổi về cơ cấu trong nội tại nền kinh tế. Đây là những thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong dài hạn, chúng tôi đã lường trước những vấn đề lớn như sự bất bình đẳng gia tăng trong xã hội”.
Nền kinh tế Nga đã ghi nhận mức tăng trưởng -3% trong năm 2020, thời điểm cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây cũng là lần suy giảm tồi tệ nhất trong 11 năm của kinh tế Nga kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nguyên nhân được cho là do các biện pháp hạn chế kiểm soát đại dịch cũng như sự sụt giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu. Nga hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất hành tinh.
Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2021 sẽ ở mức khoảng 3-4%. Thống đốc Nabiullina thận trọng hơn khi nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó rủi ro lớn nhất là sự bất ổn của đại dịch. Thêm vào đó, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi không đồng đều trong khi vẫn đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, bà này khẳng định dự trữ ngoại hối của Moscow “khá lớn, có thể chống chọi với mọi kịch bản tài chính hoặc địa chính trị” và đa dạng hơn nhiều so với dự trữ của các quốc gia khác.