Đồng rúp kỹ thuật số của Nga sẽ là mối đe dọa lớn với Mỹ?

02/06/2021 17:14 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina mới đây nhận định khi nền kinh tế chuyển sang vận động dự vào hệ sinh thái Internet, tiền kỹ thuật số sẽ là tương lai của các hệ thống tài chính.

Trả lời tờ CNBC, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nhận định hệ thống tài chính tương lai cần đảm bảo các tiêu chí thanh toán nhanh, cước phí rẻ. Và đồng tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng Trung ương quản lý có thể đáp ứng những tiêu chí như vậy.

“Tôi cho rằng (đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương) sẽ là tương lai của hệ thống tài chính vì nó có mối tương quan với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số”.

Trước đó, Moscow đã công bố một bài báo lấy ý kiến người dân về việc phát triển đồng rúp kỹ thuật số, mục tiêu phát triển một nguyên mẫu rúp kỹ thuật số vào cuối năm nay. Công tác thử nghiệm có thể sẽ bắt đầu vào năm 2022.

Đồng rúp kỹ thuật số của Nga sẽ là mối đe dọa lớn với Mỹ? - Ảnh 1.

Đồng rúp kỹ thuật số của Nga sẽ là mối đe dọa lớn với Mỹ?

Tuy nhiên, theo cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Michael Greenwald, việc Nga phát triển đồng rúp kỹ thuật số có thể là một mối lo ngại đối với Mỹ. “Điều khiến tôi lo lắng là nếu Nga, Trung Quốc và Iran đều tạo ra các loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương để phục vụ các hoạt động tài chính bên ngoài hệ thống thanh toán đồng USD, và các quốc gia khác đều chấp nhận chúng, thì điều đó sẽ là đáng báo động với Mỹ”.

Khác với các đồng tiền điện tử hiện hành như bitcoin, tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát triển sẽ được phát hành và kiểm soát bởi các nhà chức trách.

Cho đến năm ngoái, giao dịch tiền điện tử vẫn bị coi là bất hợp pháp ở Nga. Không loại tiền điện tử nào được cấp phép sử dụng cho mục đích thanh toán.

Không riêng Nga, nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng đang phát triển các đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ nhằm thúc đẩy các giao dịch tài chính, thanh toán xuyên biên giới dễ dàng hơn. Các nhà chức trách toàn cầu đã bày tỏ quan ngại về đồng bitcoin và các đồng tiền điện tử tương tự về cách chúng được sử dụng cho những giao dịch bất hợp pháp hoặc những mục đích tội phạm như rửa tiền, tài trợ khủng bố… Vấn đề còn đến từ yếu tố môi trường. Phần lớn hoạt động khai thác bitcoin được thực hiện bằng các dàn máy đào cần một lượng điện năng lớn để giải các thuật toán, qua đó nhận được phần thưởng là bitcoin.

Trong một tuyên bố hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh câu hỏi về tính hợp pháp và tính ổn định của loại tiền điện tử này. “Tôi không nghĩ rằng bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch” - bà Janet Yellen trả lời tờ CNBC tại một hội nghị của New York Times. “Ở mức độ mà nó đang được sử dụng hiện nay, tôi cho rằng việc sử dụng bitcoin (như một tài sản thanh toán tài chính) là bất hợp pháp. Vô cùng kém hiệu quả khi thực hiện các giao dịch (bằng bitcoin), năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch như vậy là rất lớn”.

“Cần duy trì hoạt động ổn định của thị trường chứng khoán, tín dụng và ngoại hối, đồng thời đàn áp nghiêm khắc các hoạt động đầu tư bất hợp pháp, trừng phạt nghiêm khắc các hoạt động tài chính bất hợp pháp” - tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh.

Bên cạnh tính hợp pháp, bà Janet còn bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định của đồng bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung. “Đó là một tài sản có tính đầu cơ cao… Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác về sự biến động quá lớn của nó. Tôi quan ngại sâu sắc về những tổn thất tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể phải chịu”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng dự báo sẽ có những thách thức khi các quốc gia tìm kiếm giải pháp chung nhằm vận hành đồng thời các đồng tiền điện tử được phát triển độc lập bởi mỗi quốc gia. “Nếu mỗi ngân hàng tạo ra một hệ thống tiền kỹ thuật số của riêng mình dựa trên các công nghệ theo tiêu chuẩn địa phương, thì sẽ rất khó khăn để tạo ra sự kết nối giữa các hệ thống để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các khoản giao dịch thanh toán xuyên biên giới”.

Về các lệnh trừng phạt của Mỹ mà bà Elvira Nabiullina nhận định là rủi ro dai dẳng với nước Nga, bà này cho rằng việc đi ngược lại quá trình “đô la hóa” là một phần chính sách rộng lớn nhằm kiểm soát rủi ro ngoại tệ.

Trong nhiều năm qua, Washington đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Moscow. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, đó chính là lý do vì sao Nga thận trọng trong toàn bộ chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Dự trữ ngoại hối của Nga cho đến nay là khá lớn và đa dạng, có khả năng chống chọi với mọi mối đe dọa tài chính hoặc địa chính trị, theo bà Nabiullina. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc Nga đang dần tách rời việc sử dụng hệ thống thanh toán đồng USD để bảo vệ bản thân khỏi tác động của lệnh trừng phạt có thể gây bất lợi cho các công ty có hoạt động toàn cầu và cần thiết dựa vào hệ thống thanh toán USD.


NTTD
Cùng chuyên mục