“Nếu bối cảnh tích cực thì chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lãi suất”

05/04/2021 14:01 GMT+7
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nếu bối cảnh tích cực thì chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận điều hành chính sách tiền tệ năm nay phải hết sức khéo léo, đặc biệt là việc giảm lãi suất.

Bối cảnh tích cực sẽ giảm lãi suất

Chia sẻ về chính sách điều hành lãi suất tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất là một trong những chỉ số quan trọng và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành, triển khai quyết liệt.

Mặt bằng lãi suất cuối năm 2020 so với giai đoạn 2015-2016 giảm đáng kể: lãi suất huy động đã giảm 2,3%/năm và lãi suất cho vay bình quân giảm 3,6%.

Đến nay, lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực ưu tiên tối đa chỉ 4,5%, giảm khoảng 2,5%.

Theo Phó Thống đốc, tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức bình quân của ASEAN.

"Tại thời điểm cuối tháng 3, lạm phát tăng khá thấp. Dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực. Do đó, điều hành chính sách lãi suất thời gian tới ưu tiên tiếp tục duy trì sự ổn định", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo NHNN cũng cho biết, còn phải lưu ý tới tác động của thế giới như việc giá nhiên liệu có thể tăng, hay lưu ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán để điều hành chính sách lãi suất hợp lý.

"Nếu bối cảnh tích cực thì chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Mặt khác cũng tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Điều gì cản trở giảm lãi suất? - Ảnh 2.

Trong bối cảnh tích cực, NHNN sẽ giảm lãi suất (Ảnh minh họa)

Điều hành lãi suất phải hết sức khéo léo?

Liên quan đến mặt bằng lãi suất hiện nay, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, nhận định lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao, dao động 7,8-8%/năm.

Con số này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường. Trung Quốc, Thái Lan là những nước có lãi suất thấp hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn.

Do đó, ông Tú Anh cho rằng giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay.

Ngược lại, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lại khuyến nghị, cân nhắc kỹ việc hạ thêm lãi suất.

Theo ông Lực, lãi suất không còn là điểm nghẽn của tín dụng. Mặt bằng lãi suất đang ở mức tương đối thấp, nếu tiếp tục giảm, dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Đánh giá về việc lãi suất Việt Nam tương đối cao, ông Lực cho rằng cần nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến thực tế này.

Lý do đầu tiên là vì lạm phát Việt Nam cao 3-3,5%, trong khi Trung Quốc gần 2%, Philipines 2,5%, bình quân thế giới 3 năm qua là 2%.

"Áp lực lạm phát năm nay rất lớn. Giá dầu được dự báo sẽ tăng 30%. Vừa qua, kênh đào Suez tắc, giá dầu đã tang", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Lý do thứ hai, theo ông Lực, là rủi ro nền kinh tế, rủi ro doanh nghiệp của Việt Nam rất cao. Việt Nam được xếp hạng BB, trong khi Indonesia là BBB, và Trung Quốc là BBB+. "Khi rủi ro cao, lãi suất đương nhiên phải cao", ông Lực nhấn mạnh.

Lý do thứ ba là chênh lệch lãi suất đầu vào của Việt Nam vẫn dương so với lạm phát.

Cuối cùng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng Việt Nam khoảng 2,6% - là mức trung bình so với các nước như Trung quốc 2,9%, Indonesia là 3,2%, ngoại lệ Myanmar 8% theo ông Lực.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng việc giảm thêm lãi suất là rất khó bởi kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng, khiến cho khả năng giảm lãi suất càng khó.

Theo ông Thành, năm nay, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo. Nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát cao lên.

"Rủi ro tài chính có thể thấy qua việc thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay", ông chia sẻ.

H.Anh
Cùng chuyên mục